Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, bắt kịp tiến độ năm ngoái

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, bắt kịp tiến độ năm ngoái
10 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 30/4/2025, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt 130.961 tỷ đồng, tương đương 14,19% tổng kế hoạch vốn năm 2025 và đạt 15,56% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt hơn 81.818 tỷ đồng (17,2%), vốn ngân sách Trung ương đạt 46.694 tỷ đồng (13,33%).
So với mức giải ngân 80.306 tỷ đồng trong quý I/2025, kết quả tháng 4 cho thấy rõ sự tăng tốc. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân tháng 4 đạt tới 50.655 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm so với kế hoạch. Bộ Tài chính đánh giá tiến độ đã bắt kịp cùng kỳ năm ngoái và bắt đầu chuyển biến tích cực ở một số bộ, ngành, địa phương. Có 10/47 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương giải ngân vượt mức trung bình của cả nước.
Đáng chú ý, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất cao như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%), Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), tỉnh Lào Cai (42,86%), tỉnh Long An (39,12%)…
Tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 là 923.030 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng giao chi tiết 825.920 tỷ đồng (gồm 350.195 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, 475.727 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương ); còn lại là vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giao và phần kế hoạch các năm trước được kéo dài. Riêng các địa phương đã giao tăng thêm 71.691 tỷ đồng từ cân đối ngân sách địa phương so với kế hoạch Thủ tướng giao.
Dù có chuyển biến tích cực, vẫn còn tới 10 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 1%. Nhiều bộ ngành có tỷ lệ giải ngân rất thấp như Bộ Thông tin và Truyền thông (0,09%), Bộ Công thương (0,26%)…
Bộ Tài chính chỉ ra hai nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là các vướng mắc thể chế và yếu tố khách quan. Hiện nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường chưa có quy định cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn. Điều này gây khó khăn cho việc xác định tổng mức đầu tư và triển khai dự án không có cấu phần xây dựng. Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực nhưng chưa được hướng dẫn đồng bộ tại địa phương, dẫn đến chậm trễ giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy sau sáp nhập đơn vị hành chính chưa ổn định khiến nhiều dự án bị dừng hoặc điều chỉnh quy mô.
Ngoài ra, yếu tố thị trường như giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, nguồn cung hạn chế, thời tiết bất lợi và thu ngân sách địa phương không đạt dự toán cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.
Thứ hai là nguyên nhân chủ quan từ chính các đơn vị được giao vốn. Tình trạng xây dựng kế hoạch chưa sát thực tiễn, thủ tục đầu tư chưa đầy đủ ngay từ khâu dự toán dẫn đến chậm phân bổ vốn và không kịp tổ chức đấu thầu. Đến cuối tháng 4, vẫn còn khoảng 27.861 tỷ đồng, tương đương 3,37% kế hoạch Thủ tướng giao. Ngoài ra, việc điều chỉnh kế hoạch vốn kéo dài, chưa đáp ứng quy định cũng khiến một số bộ ngành chưa thể tổ chức giải ngân.
Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của từng dự án. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để chậm trễ, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ rà soát, điều chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ yếu kém, né tránh trách nhiệm.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Tài chính đã khẩn trương báo cáo Chính phủ về phương án phân bổ phần vốn còn lại của ba chương trình mục tiêu quốc gia, tổng kết đánh giá cơ chế đặc thù giai đoạn 2021-2025 để làm căn cứ xây dựng cơ chế mới cho giai đoạn 2026-2030, và trình phương án xử lý vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025.
Bộ cũng đề xuất loạt giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới: yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng, quý; siết chặt giám sát các dự án lớn hoặc có kỹ thuật phức tạp; đẩy mạnh thu ngân sách địa phương từ đất đai để bảo đảm nguồn lực đầu tư; và tăng cường phân cấp, xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện từng cấp.
Báo cáo Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp nêu trên, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2025 có thể đạt từ 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao”. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, đầu tư công đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng then chốt. Việc đẩy nhanh tiến độ không chỉ thúc đẩy phục hồi kinh tế mà còn giảm áp lực giải ngân dồn vào cuối năm, giúp các công trình sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả.
MINH PHƯƠNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-bat-kip-tien-do-nam-ngoai-post877294.html