Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025.
Chính phủ chỉ đạo tập trung giải ngân vốn đầu tư công
Theo ước tính của Bộ Tài chính, đến ngày 31/1/2025, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 84,47% kế hoạch, bằng 93,06% so với mức Thủ tướng Chính phủ giao, nghĩa là chưa đạt được chỉ tiêu (95% trở lên). Năm 2025 - năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP). Đây là áp lực rất lớn. Do đó, yêu cầu đặt ra các bộ, ngành, địa phương tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cần tập trung nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, nhất là các dự án quan trọng, mang tính chiến lược như: dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, các dự án đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cảng biển trung chuyển quốc tế (Nam Đồ Sơn - Hải Phòng, Liên Chiểu - Đà Nẵng, Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh, Trần Đề - Sóc Trăng)...
Cùng với đó, một số dự án trọng điểm khác như sân bay Long Thành, đường Vành đai 3, TP Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 Hà Nội cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Hoàn thành kịp thời các dự án đầu tư công sẽ góp phần phát triển hạ tầng đô thị, kinh tế của đất nước. Ảnh: Phạm Hùng
Năm 2025 cũng là năm “về đích” của các dự án hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 như dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư có phương án bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông quan trọng quốc gia, có tính liên vùng.
Để đầu tư công tiếp tục phát huy tốt vai trò là động lực tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 nêu rõ:
Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công - tư.
Đầu tư công là một công cụ mạnh mẽ để kích thích tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng GDP. Việt Nam đang đặt mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc trước cuối năm 2025 và mở rộng mạng lưới lên 5.000km vào năm 2030. Điều này không chỉ giảm chi phí logistics từ 20% GDP xuống dưới 15%, mà còn cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên
Tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí.
Kiên quyết thu hồi vốn đã bố trí cho các dự án không triển khai theo kế hoạch phê duyệt hoặc các dự án chưa thực sự cần thiết, đầu tư chưa phát huy hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối các trung tâm kinh tế và các địa phương là cực tăng trưởng…
Địa phương, bộ ngành quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công
Ngay từ đầu năm, hàng loạt địa phương, bộ ngành ra chỉ thị quyết tâm thực hiện mục tiêu giải ngân 95 - 100% kế hoạch vốn được giao.
Đơn cử như Bộ GTVT, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh, tổng số kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 81.000 tỷ đồng. Với mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao, bộ đã khẩn trương giao toàn bộ chi tiết kế hoạch cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu có liên quan nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao nhất, coi kết quả giải ngân là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm.
Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2025, TP đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 95% tổng vốn hơn 84.100 tỷ đồng được Thủ tướng giao. Mục tiêu được TP đặt ra trong bối cảnh nhiều năm liền tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở TP Hồ Chí Minh không được như kỳ vọng.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành liên quan áp dụng công thức 1 - 3 - 7 để thực hiện các công việc, tức khi nhận được thông tin, trong một ngày phải giao ngay cho người tiếp nhận và xử lý. Sau 3 ngày phải báo cáo lại, những công việc phức tạp hơn thì là 7 ngày.
Tại Hà Nội, năm 2025, kế hoạch đầu tư công của TP Hà Nội là trên 87.000 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với năm 2024. TP yêu cầu tập trung giải ngân nhanh ngay từ đầu năm, ưu tiên các dự án đã hoàn thành hoặc chuyển tiếp, đặc biệt là các công trình có tầm ảnh hưởng lớn.
Các biện pháp giám sát chặt chẽ, khắc phục khó khăn trong thi công và giải phóng mặt bằng được triển khai quyết liệt; đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án để bảo đảm điều kiện bố trí vốn.
TP tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.
Hàng loạt các địa phương khác như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định… và các bộ ngành đều đưa ra mục tiêu, phải tập trung đưa các hoạt động trở lại bình thường sau Tết, nhanh chóng triển khai ngay các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình hành động. Trong công tác giải phóng mặt bằng, tập trung mọi giải pháp, quyết liệt giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng.
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, không chỉ dừng lại ở câu chuyện hoàn thành mục tiêu mà còn để đầu tư công phải thực sự giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là vốn mồi để huy động đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước, tạo không gian, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý thực hiện các dự án đầu tư công. Như sử dụng hệ thống dữ liệu tập trung để bảo đảm tính minh bạch, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả trong quản lý nguồn vốn đầu tư.
Ứng dụng CNTT trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư, tích hợp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quản lý đầu tư nhằm bảo đảm công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công.
ThS. Nguyễn Văn Tùng - Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư
Ngọc Trâm