13 hộ dân ở thôn Hạnh Phúc, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) bị ảnh hưởng do nâng cao đường. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Những ngày đầu tháng 5, ghi nhận của phóng viên tại thôn Hạnh Phúc, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái), người dân nơi đây bức xúc vì tuyến đường tỉnh lộ 166 thi công 4 năm chưa xong 6 km đường.
Theo người dân, từ khi triển khai dự án, người dân hàng ngày phải sống trong cảnh đường bụi bặm khi nắng to, lầy lội khi mưa xuống. Nhất là trên tuyến đường hiện nay có nhiều vị trí người dân chưa đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu lu nền một nửa đường, nửa còn lại bị lún sâu. Nhà dân lọt thỏm phía dưới, nước ùn ứ khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thị Thương, thôn Hạnh Phúc, xã Y Can, huyện Trấn Yên bộc bạch, cách đây 4 năm, khi có thông báo mở rộng con đường, người dân rất phấn khởi, vui mừng. Tuy nhiên, sau khi người dân đo đạc tài sản, đất vườn và ký nhận tiền bồi thường xong thì bên thi công và trưởng thôn mới thông báo nhà của người dân bị thấp sâu hơn đường. Lúc này, người dân bất ngờ và lo lắng nếu nâng cao đường hơn 2 - 3 m so với nhà, sẽ bị ảnh hưởng lớn do ngập úng.
“Người dân thấy không thỏa đáng bởi trong quá trình thi công nếu có thay đổi về phương án, thiết kế phải thông báo bằng văn bản cho người dân hiểu. Nhưng trên thực tế không có văn bản mà chỉ thông báo bằng miệng, khiến người dân thất vọng và có nhiều câu hỏi nghi vấn. Bởi trong một tuần có đến 3 lần thay đổi số đo. Người dân mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng trả lời rõ ràng cho người dân” - chị Thương bức xúc.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Nga cũng ở thôn Hạnh Phúc bức xúc chia sẻ, trước đây thiết kế một kiểu, giờ thay đổi nhưng cũng không thông báo văn bản cho người dân. Mỗi lần đo đạc ra một chỉ số khác nhau, tường nhà chị bị kẻ vạch nham nhở. Gia đình chị lo lắng nhà bị thấp sâu sẽ bị ngập úng, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Người dân ở đây không biết cơ quan chức năng dùng kết quả nào và áp dụng hỗ trợ, đền bù ra sao.
Người dân thôn Hạnh Phúc, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) lo lắng nhà bị thấp sâu hơn đường sẽ gây ngập úng. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Ngày 10/4 vừa qua, có 8/13 hộ dân thôn Hạnh Phúc bị ảnh hưởng được mời lên trụ sở UBND xã Y Can để ký nhận số tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, do số tiền hỗ trợ chênh lệch nhiều so với lúc hội đồng bồi thường kiểm kê tài sản trước đó nên các hộ dân này tạm thời chưa ký nhận và yêu cầu chính quyền địa phương kiểm đếm lại. Sau đó, các đơn vị đến đo đạc, nhưng mỗi lần đo số liệu lại không khớp nhau.
Trước bức xúc của người dân, 9/13 hộ dân tại khu vực này đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Nội dung trong đơn nêu rõ: "Con đường được mở đã thu hồi hết sân vườn trước nhà chúng tôi và chỉ cách mốc giải tỏa từ 0,4 m đến 3 m. Trước nhà còn có 2 con mương và taluy lại bị thấp sâu, người dân không có khả năng tài chính để khắc phục".
Bởi vậy, người dân rất hoang mang, lo lắng không biết sẽ sống ra sao khi nhà bị ngập úng và đi lại sinh hoạt hàng ngày. Người dân mong muốn các cơ quan ban ngành có thẩm quyền quan tâm, xem xét và hỗ trợ bồi thường cho các hộ gia đình để khắc phục hậu quả bị ảnh hưởng thấp sâu, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau này.
Người dân ở thôn Hạnh Phúc, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) bức xúc vì thay đổi thiết kế đường nhiều lần, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Nguyễn Đức Mầu thừa nhận, trước đó, sau khi điều chỉnh thiết kế, xã có thông báo cho người dân nhưng chỉ thông báo bằng miệng, chưa có văn bản.
Quá trình giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường tỉnh lộ 166, huyện còn mắc lại 13 hộ dân. Do trước đây, dự án ban đầu phê duyệt khu vực đó nằm ở trên cao, trên đỉnh dốc hạ thấp sâu đến 9 m. Huyện nhận thấy nếu đắp đường lên cao sẽ ảnh hưởng đến trên 40 hộ dân, có những hộ thấp gần 10 m, không có đường đi vào nhà. Do đó, huyện đề nghị chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh về cao độ thiết kết. Sau đó, được UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận và chủ đầu tư đồng ý điều chỉnh.
Sau khi được chủ đầu tư điều chỉnh, huyện thực hiện nghiêm túc theo phương án thu hồi đất ban đầu. Đến nay, huyện còn vướng mắc khoảng 13 hộ dân. Ngày 29/4, huyện có biên bản làm việc với 13 hộ dân và bà con thống nhất phương án đề xuất của huyện với chủ đầu tư. Đối với 9 hộ dân thấp hơn đường đều đồng tình làm rãnh thoát nước mặt và thoát nước vệ sinh, sinh hoạt cá nhân; rãnh thoát nước đó nằm trong phạm vi đất đã được thu hồi, không được làm ra ngoài.
Những trường hợp sau khi giải quyết rãnh thoát nước xong vẫn còn bị ảnh hưởng huyện sẽ xem xét để hỗ trợ. Song song đó, huyện đề nghị chủ đầu tư thi công phần nền đường và công trình thoát nước ở những nơi không vướng về giải phóng mặt bằng, đặc biệt chỗ người dân đang phản ánh lầy lội - ông Mầu cho biết thêm.
Công trình đường nối đường tỉnh 163 với cao tốc Nội Bài Lào Cai khởi công xây dựng từ ngày 20/12/2021. Đối với việc thi công dự án hiện có 4 nhà thầu đang thi công gồm: Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 9, Công ty TNHH Chiến Công, Công ty CP Xây dựng giao thông Yên Bái và Công ty TNHH Xây dựng Sơn Tùng. Tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng với chiều dài toàn tuyến 6,15 km, bề rộng nền đường 20,5 m, bề rộng mặt đường 10,5 m.
Công trình có 394 hộ phải thu hồi đất; trong đó, đã phê duyệt phương án bồi thường 393/394 hộ. Đến nay còn 15 hộ (300 m dài) vướng mắc chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Trước đó, gói thầu này đã 2 lần được gia hạn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Nguyễn Đức Mầu cho biết, dự án này hiện đang chậm tiến độ. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái thường xuyên phối hợp đốc thúc, chỉ đạo nhưng tiến độ thi công vẫn chưa đạt yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Đức Mầu, dự án thi công 6 km đường trong 4 năm chưa xong. Nguyên nhân thứ nhất do việc giải phóng mặt bằng còn chậm trễ trong việc thống nhất các phương án hỗ trợ, đền bù cho người dân, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng sạch cho phía nhà thầu.
Thứ hai, do thời tiết, địa bàn thường xuyên xảy ra mưa kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ. Thêm vào đó lượng lớn các phương tiện vận tải chở cát sỏi, làm rơi vãi nước xuống nền đường cũng khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn. Nhưng nguyên nhân chính do các nhà thầu thi công ì ạch.
Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Yên Bái) thường xuyên kiểm soát các phương tiện chở quá tải trọng, cơi nới thành thùng trên tỉnh lộ 166, góp phần đảm bảo cho tiến độ thi công dự án được thuận lợi. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông cũng phối hợp điều tiết, giảm tải phương tiện chở cát, sỏi và vật liệu xây dựng qua tuyến nhằm đảm bảo tiến độ thi công.
Theo Trung tá Nguyễn Hà Vân Tùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Yên Bái), đơn vị thường xuyên tổ chức các tổ tuần tra, kiểm soát trên tuyến, xử lý kiên quyết đối với các phương tiện chở quá tải trọng, cơi nới thành thùng, vi phạm luật lệ khi tham gia giao thông. Đồng thời, yêu cầu các chủ phương tiện, các bãi tập kết cát ký cam kết về việc chấp hành quy định về an toàn giao thông, vận tải, chở đúng khối lượng quy định; phối hợp cùng các đơn vị nhà thầu trong việc phân luồng giao thông, cam kết về việc tập kết vật liệu xây dựng, lưu thông các phương tiện qua khu vực đang thi công.
Từ ngày 9/4 đến nay, đơn vị kiểm tra trên 500 phương tiện; trong đó có 13 trường hợp vi phạm và ký cam kết gần 200 phương tiện. Qua đó, góp phần đảm bảo cho tiến độ thi công dự án được thuận lợi.
Chủ các phương tiện ký cam kết đảm bảo chở đúng khối lượng được quy định. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Ông Nông Văn Hiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái cho hay, hiện nay các nhà thầu cơ bản hoàn thành nền đường và công trình thoát nước trong phạm vi có mặt bằng thi công; thảm mặt đường đạt khoảng 3,8/6,15 km, tương đương 78% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng của dự án còn vướng khoảng 300 m dài chưa bàn giao cho nhà thầu thi công để hoàn thành công trình. Trong đó, hơn 200 m liên quan đến chỗ người dân kiến nghị do bị thấp sâu, còn lại ở hai hộ cuối tuyến. Nguyên nhân chính gây chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng.
Hiện Ban rất tích cực chỉ đạo các nhà thầu thi công huy động nhân lực, phương tiện máy móc để hoàn thiện bước rải thảm hơn 1 km khi thời tiết thuận lợi. Thời gian còn lại, đơn vị tập trung thi công những chỗ đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Ban quyết tâm trong tháng sẽ 6/2025 thi công xong, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái kiến nghị UBND huyện Trấn Yên quan tâm, chỉ đạo Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư và các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Tuấn Anh - Đinh Thùy (TTXVN)