Tăng tốc sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương

Tăng tốc sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương
một ngày trướcBài gốc
Một góc TP Hạ Long. Ảnh: Quang Vinh.
Thời gian ngắn, hiệu quả cao
Đánh giá công cuộc cải cách tổ chức hành chính, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đều chung một nhận định: Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong toàn hệ thống chính trị. Trong cuộc cách mạng này, không ai, không một tổ chức nào đứng ngoài cuộc. Tinh thần khẩn trương quyết liệt là điều dễ nhận thấy trong quá trình tinh gọn bộ máy tại các cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy mấy tháng gần đây.
Phát biểu tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi nói về vấn đề tinh gọn bộ máy của Chính phủ thời gian qua đã cho biết: Hiện nay chúng ta chỉ còn 17 bộ và cơ quan ngang bộ, đã giảm được 5 bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, tổ chức bên trong của các bộ và cơ quan ngang bộ đã được tinh gọn đáng kể. Cụ thể, đã giảm 13/13 tổng cục và tương đương, đạt tỉ lệ 100%; giảm 519 cục và tổ chức tương đương (giảm khoảng 77,6%); giảm 219 vụ và tương đương (giảm 54,1%); giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm khoảng 91,7%).
Đối với các địa phương, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, 63 tỉnh và thành phố đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đạt tỉ lệ 29%, cùng với 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%). Cùng với đó, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng như chính quyền địa phương đã giảm rất rõ rệt.
Tại một cuộc tọa đàm mới đây do Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mang tên “Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy ở Việt Nam - Những thuận lợi và thách thức”, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trao đổi về công cuộc tinh gọn bộ máy đã cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi về tư duy; nếu không đổi mới về tư duy sẽ không thể vượt qua được yêu cầu của giai đoạn này. Ông Tuấn cho rằng, trong “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy này “nếu vẫn nể nang, né tránh thì không làm được”. Bộ máy tinh-gọn nhưng nếu không mạnh thì không đạt hiệu lực - hiệu quả. “Bộ máy tinh gọn nhưng chất lượng cán bộ công chức không cải thiện, không đưa ra khỏi bộ máy những người “sáng cắp ô đi tối cắp về”, những người lười biếng thì làm sao có thể thành công được”, ông Tuấn nói và cho rằng, cần phải nhìn nhận việc tinh gọn bộ máy đặt trong bối cảnh hiện nay chúng ta chuyển hướng từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia, làm sao phát huy hết các nguồn lực để phát triển; trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều thành tựu về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo.
Trong Công văn số 43, Ban Chỉ đạo đã nêu những công việc rất cụ thể đối với Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và mốc thời gian hoàn thành. Bởi từ nay đến Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII cũng chỉ còn khoảng 1 tháng, thời gian không nhiều, công việc lại nhiều. Nếu một khâu chậm cả hệ thống có khả năng phải chậm theo.
Địa phương cũng tinh gọn, thực hiện mô hình đơn vị hành chính hai cấp
Cũng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 khi nói về các công việc trọng tâm thời gian tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có nêu, tập trung triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, chất lượng. Đây là yêu cầu đáp ứng chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, là một nhiệm vụ hết sức hệ trọng và cấp bách.
Trao đổi với báo chí về việc sắp xếp bộ máy cấp xã, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) cho rằng, với số lượng cấp xã từ hơn 10.000 sau sáp nhập còn hơn 2.000 xã, là một cuộc cách mạng rất lớn, cũng rất khó khăn, nhưng không thể không làm. Cán bộ, đảng viên, kể cả người dân cũng phải tự vượt lên chính mình, hướng về cái chung và hướng tới tầm nhìn xa hơn. Muốn vậy, “phải có sự dũng cảm, quyết tâm chính trị cao” như lời ông Trần Anh Tuấn.
Trong cuộc giao ban đầu tháng 3, nói về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh định hướng của Bộ Chính trị: Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính là để chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, với mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, đảm bảo sự ổn định lâu dài của đất nước. "Sắp xếp đơn vị hành chính không phải là sự thay đổi ngắn hạn để vài chục năm phải điều chỉnh mà mở rộng không gian để phát triển ổn định trăm năm, có tính chất chiến lược dài hạn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", bà Trà nói.
Như vậy, quan điểm đã rõ, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện không đơn thuần chỉ là tinh gọn để giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách mà mục tiêu xa hơn là tạo không gian mới cho phát triển kinh tế từng vùng, từng địa phương và tạo ra dư địa mới cho phát triển.
Vì thế, khi chủ trương đã có chúng ta cần quyết liệt thực hiện theo phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Càng sớm sắp xếp xong tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương thì bộ máy mới càng sớm đi vào hoạt động, không bỏ phí thời gian và thời cơ để phát triển.
Hoàng Mai
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tang-toc-sap-xep-to-chuc-bo-may-tu-trung-uong-den-dia-phuong-10302734.html