Dây chuyền sản xuất bánh tráng thành phẩm của Công ty TNHH Tân Nhiên, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN)
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2025, Long An và Tây Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng tốc; trong đó, thu hút đầu tư được hai địa phương chọn làm bệ phóng cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
"Bệ phóng" thu hút đầu tư
Kết quả quý I/2025, Long An đã khánh thành đưa vào khai thác tuyến đường 826E và dự án nhà máy Thái Tuấn, với tổng vốn đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng; khởi công đường Đường tỉnh 822B tại huyện Đức Hòa kết nối Đức Huệ, với tổng mức đầu tư 918 tỷ đồng; khởi công khu đô thị 220 ha tại huyện Bến Lức, với tổng mức đầu tư 16.981 tỷ đồng; khởi công khu đô thị mới Hậu Nghĩa-Đức Hòa, với tổng mức đầu tư hơn một tỷ USD; khởi công xây dựng 400 căn nhà ở xã hội tại khu đô thị, công nghiệp sinh thái tích hợp quy mô 500 ha (tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) để cung cấp chỗ ở cho hơn 1.000 người dân ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh.
Tại Tây Ninh, để tạo đà tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, từ cuối năm 2024, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh giai đoạn 1” cho Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) trên diện tích hơn 495 ha, tổng vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Tây Ninh nhấn mạnh: Dự án hiện hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, được tỉnh kỳ vọng sớm vào vận hành, thu hút đa ngành, nhất là công nghệ cao, tạo việc làm, ổn định kinh tế-xã hội địa phương.
Việc dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian ngắn, chỉ trong 18 tháng là nỗ lực của VRG cùng hỗ trợ rất lớn của các sở, ban, ngành tỉnh Tây Ninh. Kỳ vọng của dự án này sẽ thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh Tây Ninh và Long An; tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thực phẩm và đồ uống, logistics, kho bãi, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hiện, bệ phóng của quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số đang tiến triển rất tốt. Trong quý I/2025, Long An có 438 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 5.318 tỷ đồng: cấp mới 15 giấy chứng nhận đầu tư dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký mới hơn 3.319 tỷ đồng; cấp mới 25 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 60,85 triệu USD...
Với tổng số 2.267 dự án đầu tư trong nước (DDI) và 1.408 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động, tỉnh hy vọng nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong năm 2025.
Theo đó, quý I/2025, Tây Ninh đã thu hút đầu tư được nhiều dự án “triệu USD”. Đáng ghi nhận như: Dự án thiết bị y tế Hengxin, với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất vải dệt kim cao cấp và phụ liệu đồng bộ Global Hantex, với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD; dự án Nhà máy ấp trứng gia cầm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Orvia Việt Nam-Chi nhánh Tây Ninh, với tổng vốn đầu tư 8,433 triệu USD; dự án Nhà máy Sunnywear New Material với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD...
Như vậy, tổng vốn thu hút đầu tư vào Tây Ninh trong quý đầu tiên của năm 2025 đạt 324,66 triệu USD và 2.467,5 tỷ đồng; trong đó, cấp mới bảy dự án FDI tổng vốn đăng ký 262,61 triệu USD.
Tổng vốn thu hút đầu tư vào Tây Ninh trong quý đầu tiên của năm 2025 đạt 324,66 triệu USD và 2.467,5 tỷ đồng; trong đó, cấp mới bảy dự án FDI tổng vốn đăng ký 262,61 triệu USD.
Quyết tâm về đích sớm
Đồng chí Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho biết: Từ mức tăng trưởng 8,3% của năm 2024, Long An đặt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 từ 10-11%, thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngay đầu năm, Tỉnh ủy Long An kêu gọi hệ thống chính trị và người dân đoàn kết, đồng lòng, ra sức rèn luyện bản lĩnh cách mạng, phát huy tính tự lực, tự cường. Minh chứng cho sự quyết tâm đó là thu ngân sách nhà nước trong quý I/2025 của tỉnh đạt hơn 6.147 tỷ đồng, đạt 25,56% dự toán Trung ương giao.
Để khai thác hiệu quả lợi thế vùng đất tiếp giáp 120,9 km với Thành phố Hồ Chí Minh, Long An đã quy hoạch 51 khu và 72 cụm công nghiệp, đến đầu năm 2025 đã có 26 khu và 17 cụm công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận, thu hút đầu tư.
Dư địa để Long An thu hút nhiều nhà đầu lớn trong thời gian tới là tỉnh chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch hơn 10.000 ha đã được Trung ương phê duyệt để đáp ứng các nhà đầu tư từ công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.
Cùng với đó, Long An đang huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện chủ trương của Chính phủ về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp. Mục tiêu đặt ra của tỉnh trong năm 2025 là sẽ hoàn thành 22.500 căn nhà và giai đoạn 2026-2030 là 48.750 căn.
Tương tự, Tây Ninh đang đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, chú trọng những ngành, lĩnh vực mới nổi, gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp với thị trường; tạo điều kiện cao nhất để nhà đầu tư tiếp cận quy hoạch, đất đai, thông tin về môi trường đầu tư; hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý dự án chậm tiến độ để nhà đầu tư triển khai dự án.
Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết: Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng 10%, tạo tiền đề, động lực tăng trưởng giai đoạn mới, Tây Ninh đã và đang tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các bất cập, vướng mắc, kêu gọi đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bến bãi, nâng cao chất lượng vận hành, phục vụ nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu;
Đưa vào khai thác bãi đậu xe, tập kết phương tiện tại các cảng; triển khai thực hiện dự án xây dựng kho bãi xuất nhập khẩu, logistics tại một số khu kinh tế cửa khẩu; có giải pháp phù hợp tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai dự án trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp quan trọng.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, ngày lễ lớn của dân tộc.
Các nhiệm vụ, giải pháp của Long An và Tây Ninh đề ra là tập trung thúc đẩy tăng trưởng, quyết tâm đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy khoa học-công nghệ… với quyết tâm trên tinh thần “5 thật, 7 dám, 5 rõ” sẽ giúp cho hai địa phương về đích sớm các chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội đảng bộ của tỉnh đề ra.
THANH PHONG và MINH ANH