Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng và lực lượng dân quân tự vệ giúp người dân sửa chữa nhà ở. Ảnh: H.C.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh đã khởi công được 6.644/6.700 căn nhà tạm, nhà dột nát cần xóa bỏ, đạt tỷ lệ 99,13%. Một kết quả ấn tượng thể hiện sự quyết tâm chính trị cao độ và tinh thần vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh. Trong số đó, đã có gần 5.600 căn nhà được hoàn thiện và bàn giao cho người dân, đạt tỷ lệ 83,45%.
Trước thời điểm hệ thống chính quyền hai cấp vận hành theo mô hình mới, các địa phương trên địa bàn đã chủ động chuẩn bị nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ khởi công 100%; số còn lại đều vượt 97,5% so với kế hoạch. Không đơn thuần là công trình xây dựng, những căn nhà mới này là biểu tượng của sự chăm lo, đồng hành và sẻ chia mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành cho những người dân còn khó khăn. Cao Bằng cũng đặt ra mục tiêu cụ thể và rõ ràng, đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng trên 7.000 căn nhà với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Tỉnh cũng yêu cầu từng địa phương phải ký cam kết hoàn thành công tác hỗ trợ trước ngày 31/8.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Cao Bằng không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà đã trở thành phong trào rộng khắp với sự vào cuộc đồng bộ của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Do đó, từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay đóng góp cho Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ An sinh xã hội. Nhờ đó, tỉnh Cao Bằng đã huy động được tổng kinh phí 134,66 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn lực này được phân bổ minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Trong đó, mỗi căn nhà xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng, nhà sửa chữa được hỗ trợ 30 triệu đồng. Những con số về sự chung tay của cộng đồng là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Gần 50.700 ngày công lao động, 34 tấn xi măng, khoảng 30.000 viên gạch, hơn 1.000 tấm lợp Proximăng đã được người dân, cán bộ, chiến sĩ và các tổ chức thiện nguyện đóng góp để cùng dựng xây những mái nhà ấm áp tình người trên vùng cao.
Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị, để thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cũng đã thực hiện khá tốt các chương trình phối hợp, hỗ trợ đồng bào vùng cao. Được biết, từ năm 2024 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cũng đã huy động hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống cơ sở, hỗ trợ 105 hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà. Trong đó, 17 hộ được hỗ trợ thêm tiền mặt với tổng trị giá 583 triệu đồng. Các đồn biên phòng còn đóng góp 55 triệu đồng vào Quỹ xóa nhà tạm và vận động doanh nghiệp hỗ trợ 17 tấn xi măng.
Việc hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn là một giải pháp chiến lược trong củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững. Khi người dân có nhà ở ổn định, họ sẽ yên tâm lao động, sản xuất, bám đất, bám bản, trở thành những “cột mốc sống” cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Theo Thượng tá Lương Tuấn Long - Phó Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các đồn biên phòng được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, rà soát các hộ dân còn ở nhà tạm, nhà dột nát để có phương án hỗ trợ cụ thể. Cùng với đó là vận động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ kinh phí, vật chất, làm cầu nối giữa người dân nơi biên giới. “Thông qua chương trình, quân và dân càng gắn bó khăng khít. Những căn nhà mới được hoàn thiện không chỉ là nơi an cư mà còn là khởi đầu của những giấc mơ ấm no, hạnh phúc. Đó cũng chính là cơ sở để tỉnh Cao Bằng tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc từ cơ sở” - Thượng tá Lương Tuấn Long khẳng định.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Cao Bằng đang đi đúng hướng và đạt kết quả vượt bậc. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xây dựng trên 7.000 căn nhà trước thời hạn 31/8, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục vào cuộc quyết liệt, phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sáng tạo. Quan trọng hơn, sau khi nhà được dựng lên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững.
Phương Nguyên