Tại hội nghị đầu tư Techcombank 2025 diễn ra ngày 9/7, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết năm 2025, khi nền kinh tế toàn cầu biến động và cạnh tranh ngày càng phức tạp, Việt Nam đã chứng minh khả năng ứng phó trước những biến động. Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,52%, là chỉ số tăng trưởng cao trong tình hình hiện nay. Tăng trưởng cả năm 2025 dự kiến đạt 8% và giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng trên 10%.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại hội nghị đầu tư Techcombank 2025. Ảnh: BTC
Chia sẻ quan điểm về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam, Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết: “Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 10% nếu biết tận dụng các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, nền tảng chuyển đổi số, cùng với quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử hay sản xuất linh kiện công nghệ cao”.
Tuy nhiên, ông Lottner cũng chỉ ra một trong những thách thức lớn hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt đó là năng suất lao động. Theo ông, mặc dù Việt Nam đang cải thiện tích cực, nhưng so với Trung Quốc hay một số quốc gia khác trong khu vực vẫn còn khoảng cách trong năng suất.
"Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực có đà tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, để tăng hiệu quả sử dụng lao động và tạo giá trị bền vững,” lãnh đạo Techcombank nói.
Ông Jens Lottner cũng đề cập sự cần thiết của việc dịch chuyển mô hình kinh tế. Trong khi những lĩnh vực truyền thống như bất động sản, hạ tầng, xuất khẩu thô vẫn đóng vai trò quan trọng nhất định, Việt Nam cần chuyển dịch sang mô hình mới, đó là nơi công nghệ, dữ liệu và đổi mới sáng tạo là động lực chính.
Về xu hướng tiêu dùng, ông cho biết chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam đang đi ngang. Do đó, động lực tăng trưởng tương lai phải đến từ hoạt động xuất khẩu và sự chuyển đổi mạnh mẽ trong mô hình sản xuất, tiêu dùng.
Lãnh đạo Techcombank gợi ý rằng Việt Nam có thể tham khảo các nền kinh tế xuất khẩu thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và chủ động cải thiện năng lực xuất khẩu thay vì phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa.
Ông Lottner cũng đánh giá cao vai trò của các chính sách hỗ trợ. Các Nghị quyết như 57, 59, 66 hay 68 đang tạo hành lang pháp lý cho kinh tế số, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân vào công cuộc chuyển đổi. "Nếu có thể triển khai các chính sách một cách hiệu quả, kết hợp với đổi mới sáng tạo và hợp tác công - tư, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá trở thành nền kinh tế số hàng đầu khu vực trong tương lai,” ông Lottner nói.
Về khối tư nhân, Tổng giám đốc Techcombankcho rằng khu vực này đang có cơ hội khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Lottner, để có thể hiện thực hóa tham vọng thành tăng trưởng thực chất thì cần có những hành động cụ thể.
"Chúng ta cần hình thành dòng vốn đầu tư đủ mạnh. Ước tính nhu cầu vốn để phát triển hiện nay lên tới 1.200 tỷ USD. Riêng cho các hoạt động chuyển đổi như phát triển trung tâm dữ liệu, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cấp công nghệ và sản xuất, cần khoảng 100 tỷ USD". Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner
Tuy nhiên, ông Lottner lưu ý rằng chỉ vốn thôi chưa đủ mà Việt Nam cần thêm kinh nghiệm, xây dựng nền tảng và khung pháp lý phù hợp để triển khai hiệu quả các kế hoạch đầu tư. Điều này có nghĩa ngoài nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, ông cho rằng cần mở rộng các kênh huy động vốn khác như thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư quốc tế và các tổ chức tài chính phát triển như Tổ chức tài chính quốc tế (IFC).
Tổng giám đốc Techcombank đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, điều hành tỷ giá linh hoạt, phát triển thị trường trái phiếu, thúc đẩy tín dụng số hóa và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thu hút dòng vốn quốc tế vào Việt Nam.
Theo ông, Việt Nam cần chuyển trọng tâm từ tăng trưởng dựa vào quốc doanh sang phát triển khu vực tư nhân. Để đẩy mạnh khu vực này trong vòng 5 năm, thay vì 30-35 năm như thông lệ, thì phát triển công nghệ và số hóa là điều bắt buộc.
Ba trụ cột để Việt Nam vượt qua thách thức kinh tế toàn cầu
Phát biểu tại sự kiện của Techcombank, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để bứt phát trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có tác động từ cạnh tranh, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và đặc biệt là các chính sách thuế quan của các thị trường lớn như Mỹ.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng xác định 3 trụ cột chính để Việt Nam vượt qua thách thức trong thời gian tới.
Một là tập trung công nghiệp chế biến chế tạo. “Ngành dệt may, điện tử, ô tô đang đối mặt với thuế quan nhưng là cơ hội để phát triển các ngành công nghệ cao như chip bán dẫn, thiết bị y tế. Bộ Công Thương đang phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng một chiến lược ứng phó với thuế quan bao gồm cải thiện chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới,” bà Thắng nói.
Hai là năng lượng xanh. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, năng lượng tái tạo là nền tảng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Cùng với đó, Việt Nam đang xây dựng các chính sách thu hút đầu tư hạ tầng thông minh.
Ba là thương mại và dịch vụ số. Thương mại và dịch số đang phát triển với tốc độ 20% mỗi năm. Việt Nam có nguồn nhân sự chất lượng cao, trẻ, năng động và được đào tạo bài bản, đặc biệt là trong lĩnh vực chip bán dẫn, phần mềm. Thêm vào đó, dự thảo luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển công nghiệp số.
“Việt Nam đang đứng trước các cơ hội mới để bứt phá, hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội,” Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định.
Hà Anh