Nhà thầu tiến hành thảm nhựa lớp đầu tiên tại gói thầu số 21, thuộc dự án thành phần 1, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai. (Ảnh Công Phong)
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra tháng 1 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và cho ý kiến với các đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt hai con số. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc ngay trước, trong và sau Tết Nguyên đán, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm.
Cấp thiết hoàn thiện thể chế
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đạt được trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng đầu tiên của năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật những yếu tố mới nảy sinh của tình hình thế giới và chỉ rõ, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với năm khó khăn, thách thức.
Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; thể chế pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.
Đáng lưu ý, các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt phá rõ nét theo yêu cầu tăng trưởng đặt ra, thể hiện ở sức mua trong nước tháng 1/2025 và tiêu dùng dịp Tết Ất Tỵ mặc dù đã cải thiện nhưng còn chậm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng thấp hơn cùng kỳ các năm trước đại dịch Covid-19.
Xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn do nhu cầu thế giới phục hồi chậm; Mỹ và các thị trường xuất khẩu lớn của hàng hóa Việt Nam gia tăng hàng rào thuế quan, bảo hộ thương mại mới với các chính sách khó đoán định.
Trong khi đó, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản năm 2025 lớn; nhiều dự án bị đình trệ, chậm tiến độ, các khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để.
Trước yêu cầu tăng trưởng cao trong năm 2025, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong các giải pháp kiến nghị Chính phủ tập trung thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định thể chế là một nguồn lực quan trọng cho phát triển và được coi là “đột phá của đột phá”.
Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế pháp luật trong năm 2025 vẫn là một yêu cầu cấp thiết. Trước mắt, cần khẩn trương rà soát, tiếp tục đề xuất sửa đổi và bảo đảm tiến độ sửa đổi các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Năng lượng nguyên tử…
Việc triển khai hiệu quả đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng cũng cần triển khai nhanh cùng với nhiệm vụ xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế.
Đồng thời nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặt vấn đề xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Đối với các giải pháp từ phía cầu, hoạt động đầu tư được xác định là động lực quan trọng, có tác động ngay đến tăng trưởng kinh tế, trong đó có đầu tư công.
Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 về việc phấn đấu đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% ngân sách nhà nước, dành nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, bảo đảm các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn.
Đồng thời đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thông qua việc triển khai sớm một số dự án quan trọng, như các tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn và tuyến Hải Phòng-Quảng Ninh-Móng Cái. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn các dự án trọng điểm khác, bảo đảm tính sẵn sàng để gia tăng quy mô đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện hệ thống hạ tầng chiến lược của đất nước.
Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 được Quốc hội quyết nghị và được Thủ tướng Chính phủ giao lên đến hơn 825 nghìn tỷ đồng, bao gồm hơn 350 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và hơn 475 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Nhìn vào tổng vốn đầu tư được Quốc hội phê duyệt cho năm 2025, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có thể yên tâm về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng, vì so với năm 2024, vốn đầu tư công năm nay tăng thêm khoảng hơn 120 nghìn tỷ đồng. Đầu tư công tăng lên, chắc chắn GDP sẽ tăng vì đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Từ năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, dự kiến sẽ có rất nhiều công trình lớn được hoàn thành và đi vào sử dụng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Từ bài học thi công dự án đường dây 500 KV mạch 3 cho thấy, với sự quyết tâm của Chính phủ, giải ngân đầu tư công sẽ đạt tỷ lệ cao hơn và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.
Đối với động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, dự báo xuất khẩu trong năm 2025 có thể đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là từ các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Mỹ.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực từ những biến động của thương mại thế giới. Khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký, tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng; thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ nhằm kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa không gian và động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần xác định rõ tiềm năng, động lực, nguồn lực cụ thể để chuẩn bị và khai thác các nguồn lực cho phát triển.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là cơ sở để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, tạo nên những động lực tăng trưởng mới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, các giải pháp tổng thể, toàn diện cho tất cả các ngành, lĩnh vực đã được thể hiện trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, với yêu cầu tăng trưởng ít nhất 8% ngay trong năm nay để tạo tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, cường độ thực hiện các giải pháp đề ra cũng phải được nâng lên tương ứng. Điều này đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực và hành động quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Tháng 1/2025, uớc giải ngân vốn đầu tư công là hơn 10.382 tỷ đồng, đạt 1,18% kế hoạch, đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn đã phân bổ là 793.475 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong quá trình phân bổ, các bộ, ngành và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển... Tuy nhiên, hiện còn 27 bộ, ngành và 50 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
(Nguồn: Bộ Tài chính)
TÔ HÀ