Tăng trưởng chững lại, ngành cho thuê tài chính tìm 'chân trời mới' nhờ chính sách mở lối

Tăng trưởng chững lại, ngành cho thuê tài chính tìm 'chân trời mới' nhờ chính sách mở lối
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 22/5, Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam tổ chức cuộc họp báo trao đổi về một số hoạt động ngành cho thuê tài chính.
Dư nợ cho thuê nhiều loại tài sản tăng bứt phá
Thông tin về một số kết quả hoạt động ngành cho thuê tài chính quý I/2025, ông Phạm Xuân Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính cho biết, dư nợ cho thuê tài chính đạt gần 40.700 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng không tăng so với thời điểm cuối năm 2024.
Theo lý giải của Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính, các khoản nợ xấu phát sinh vào cuối năm 2024 buộc phải được xử lý thông qua việc trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro. Điều này khiến dư nợ cho thuê tài chính bị sụt giảm, do đó, mức tăng dư nợ trong quý I/2025 mới chỉ vừa đủ để bù đắp lại phần suy giảm của quý trước đó.
Ông Phạm Xuân Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam.
“Chân trời mới” mở ra khi sửa đổi Thông tư 26
"Việc sửa đổi Thông tư 26 mở rộng nhiều đối tượng mới được phép cho thuê, tạo kỳ vọng tăng trưởng ở các loại tài sản mới như: phần mềm, quyền khai thác, tài sản trí tuệ, dữ liệu hay các tài sản vô hình khác. Tất nhiên, để phát triển được các loại hình tài sản này tại Việt Nam sẽ cần một quá trình nghiên cứu, không thể kỳ vọng đạt kết quả một sớm một chiều. Dẫu vậy, tôi cho rằng đây chính là chân trời mới sẽ rộng mở, hứa hẹn nhiều tiềm năng và cơ hội mới" - ông Hòe kỳ vọng.
Cùng với đó, bức tranh tín dụng cũng ghi nhận một số điểm sáng đáng chú ý. Theo Hiệp hội Cho thuê tài chính, dư nợ cho thuê đối với ô tô các loại đạt trên 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng 26,44% cùng kỳ.
Dư nợ cho thuê đối với tàu thuyền (trừ tàu biển) tăng gần gấp đôi, khoảng 79,44%, chủ yếu nhờ tác động tích cực từ việc mở rộng danh mục tài sản cho thuê theo quy định tại Thông tư 26/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định về hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính (Thông tư 26).
Cùng với đó, dư nợ cho thuê máy móc, thiết bị y tế cũng ghi nhận mức tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, dư nợ cho vay vốn lưu động, vốn trước đây bị giới hạn chủ yếu ở phần bổ sung cho tài sản cho thuê tài chính, cũng ghi nhận sự bứt phá khi đạt mức tăng trưởng hơn 40%, từ mức 16,5 tỷ đồng trong quý I/2024 tăng lên 23 tỷ đồng trong quý I/2025.
"Số lượng khách hàng mới tăng gần 6%, số lượng hợp đồng cho thuê mới tăng trưởng 13% so với quý I/2024" - ông Hòe điểm lại.
Ngoài ra, chất lượng tín dụng được duy trì ở mức an toàn khi tỷ lệ nợ xấu của các công ty cho thuê tài chính đều được kiểm soát dưới ngưỡng 3%.
4 kiến nghị trọng tâm phát triển cho thuê tài chính
Để tiếp tục phát triển hiệu quả hoạt động cấp tín dụng trong thời gian tới, Hiệp hội Cho thuê tài chính kiến nghị tập trung triển khai đồng bộ bốn nhóm giải pháp trọng tâm.
Tăng trưởng chững lại, ngành cho thuê tài chính tìm "chân trời mới" nhờ chính sách mở lối. Ảnh: T.L.
Thứ nhất, gia tăng dư nợ ở mức cao nhất có thể hằng năm để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất và chuyển đổi số.
"Các công ty cho thuê tài chính sẵn sàng nhận ủy thác từ Chính phủ, các quỹ đầu tư, tổ chức cá nhân có mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực như chip điện tử, dây chuyền sản xuất hiện đại, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để tham gia chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu" - lãnh đạo Hiệp hội Cho thuê tài chính nêu rõ.
Đơn cử, Chính phủ muốn phát triển trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, nhưng các doanh nghiệp của Việt Nam lại không có đủ tài sản thế chấp, nên khó vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ hiện đại.
Khi đó, Chính phủ không trực tiếp cho vay, mà có thể ủy thác qua các công ty cho thuê tài chính cho thuê dây chuyền, máy móc, thiết bị mới nhất theo chỉ định công nghệ nào, của quốc gia nào. Đây là lợi thế lớn của các công ty cho thuê tài chính, nhờ khả năng cấp tín dụng mà không yêu cầu tài sản thế chấp và kinh nghiệm chuyên sâu trong thẩm định các dự án trung và dài hạn.
"Công ty cho thuê tài chính sẽ là người thẩm định cho thuê tài chính và chịu rủi ro, còn hưởng phí từ Chính phủ ủy thác" - ông Hòe nêu rõ.
Thứ hai, đẩy mạnh cấp tín dụng trung và dài hạn theo định hướng tín dụng xanh, tích hợp với bộ tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững. Tín dụng xanh của các công ty cho thuê tài chính cần được thực hiện theo hai nghĩa: thẩm định rủi ro môi trường và xã hội đối với 100% các khoản tín dụng; hoặc tài sản, dây chuyền, máy móc thiết bị được tài trợ phải là công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, các công ty cần tư vấn và hỗ trợ khách hàng tích hợp ESG nếu có nhu cầu, hướng tới phát triển bền vững.
Thứ ba, đa dạng hóa nguồn vốn huy động trung và dài hạn từ các đối tác quốc tế, tổ chức kinh tế trong nước, các ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh. Song song đó, cần xây dựng và triển khai kế hoạch tăng vốn tự có thường niên, nhằm mở rộng hạn mức cấp tín dụng đối với từng khách hàng, nhóm khách hàng và các bên liên quan.
Thứ tư, Hiệp hội các công ty cho thuê tài chính cần đóng vai trò là đầu mối tập hợp nguồn lực trí tuệ từ các hội viên và các tổ chức quốc tế để cùng đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Cho thuê tài chính trong thời gian tới. Đồng thời, cần tham gia góp ý phản biện trong quá trình xây dựng, chỉnh sửa và hoàn thiện khung pháp lý, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng không nhận tiền gửi nói riêng./.
Ánh Tuyết
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-truong-chung-lai-nganh-cho-thue-tai-chinh-tim-chan-troi-moi-nho-chinh-sach-mo-loi-176942.html