Tăng trưởng GDP đạt đỉnh 15 năm, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế

Tăng trưởng GDP đạt đỉnh 15 năm, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế
8 giờ trướcBài gốc
Sáng ngày 5/7, tại họp báo công bố công bố tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025, bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ chốt trong quý II và nửa đầu năm nay ghi nhận mức tăng cao nhất trong giai đoạn dài, cho thấy đà phục hồi và tăng trưởng rõ rệt của nền kinh tế.
Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức 8,56% của quý II/2022 – cao thứ hai trong giai đoạn 2020-2025. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 7,52%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Trong mức tăng này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính với mức tăng 10,11%; ngành xây dựng tăng 9,62%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011. Khu vực dịch vụ ghi nhận tăng mạnh ở lưu trú – ăn uống (tăng 10,46%), vận tải – kho bãi (tăng 9,82%) và các hoạt động hành chính, quốc phòng, quản lý nhà nước (tăng trên 13%).
GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sáu tháng đầu năm tăng 9,2%, mức cao nhất kể từ năm 2020; riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3% trong quý II. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định với sản lượng lúa Đông Xuân tăng, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm mở rộng diện tích, chăn nuôi phát triển tốt nhờ giá thuận lợi và ứng dụng công nghệ cao.
Tác động tích cực từ Nghị quyết 68 giúp môi trường kinh doanh sôi động trở lại. Trong sáu tháng, cả nước có 91.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 11,8%), 61.500 doanh nghiệp quay lại hoạt động (tăng 57,2%), đưa tổng số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường lên hơn 152.700, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng gia tăng, với hơn 80.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 13,3%) và hơn 12.300 doanh nghiệp giải thể (tăng 23,3%).
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD (tăng 14,4%), nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD (tăng 17,9%), cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 14,79 tỷ USD, tăng 21,2%, trong đó du lịch chiếm hơn 51%; nhập khẩu dịch vụ đạt 19,5 tỷ USD, tăng 18,8%, dẫn đến nhập siêu dịch vụ 4,71 tỷ USD.
Thu ngân sách Nhà nước đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ; chi ngân sách đạt 1.102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán, tăng 38,5%. Tăng trưởng thu chi ngân sách cho thấy nguồn lực tài khóa được huy động và sử dụng hiệu quả, bảo đảm chi cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng 7,2%). Vận tải hành khách tăng 23,2%, vận tải hàng hóa tăng 15%, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 đạt 1,46 triệu lượt, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,48% so với tháng trước do giá vật liệu xây dựng và xăng dầu tăng. CPI bình quân sáu tháng tăng 3,57%, tức vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê đánh giá, kinh tế – xã hội quý II và sáu tháng đầu năm 2025 đạt được kết quả rất tích cực, tiệm cận mục tiêu đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn.
Với quyết tâm cao nhất để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, trong một thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn để triển khai thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy Chính phủ, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Đồng thời triển khai các nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân…
Cùng với việc theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Nguyệt Minh
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tang-truong-gdp-dat-dinh-15-nam-cong-nghiep-va-dich-vu-tiep-tuc-dan-dat-nen-kinh-te/20250705095709864