Tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong gần hai thập niên

Tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong gần hai thập niên
5 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025
Kinh tế tăng trưởng mạnh
Theo đánh giá tại phiên họp, kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025 chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong gần hai thập niên: quý I tăng 6,93%, quý II ước tăng 7,67%, trung bình 6 tháng đạt 7,31%, tiệm cận mốc 7,5% theo kịch bản đề ra. Cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 9,3%.
Nhiều địa phương ghi nhận tăng trưởng mạnh: trong 63 tỉnh, thành phố cũ có 10 địa phương tăng trưởng hai con số; theo 34 đơn vị hành chính mới, có 6 địa phương tăng trên 10%, tiêu biểu như Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh và Phú Thọ.
Kinh tế vĩ mô (KTVM) được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm. CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 432 tỷ USD, tăng 16,1%, xuất siêu 7,63 tỷ USD. Thu ngân sách đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,8%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 32,46% kế hoạch, cao hơn 4,26% so với cùng kỳ. Thu hút FDI 6 tháng đạt 21,5 tỷ USD, tăng 32,5%, cao nhất 15 năm qua; vốn thực hiện tăng 8,1%. Cùng với đó, hạ tầng tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt có thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc lên 2.268 km.
Hoạt động sản xuất – kinh doanh phục hồi rõ nét. Trong tháng 6/2025, có 24.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động – mức cao kỷ lục. Tính chung 6 tháng, có 152.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, vượt số rút lui (127.200 doanh nghiệp). Lĩnh vực du lịch ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ với gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng, tăng 20,7%. Riêng tháng 6 đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 17,1%.
Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, góp phần giữ môi trường hòa bình, ổn định. Đặc biệt, ngày 2/7, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất Tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.
6 tháng đầu năm tín dụng tăng 8,3%
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, NHNN đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Kết quả là sau khi thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6/2024) tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.
Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành chính: Ngành nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ngành này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 23,74%.
Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục là hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn. Cụ thể là nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 23,16%; Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%. Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, như Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ lên đến 100.000 tỷ và thực hiện rất tốt, hiệu quả. Ngoài ra, các chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai một cách tích cực.
Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội; cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội; hay chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hạ tầng chiến lược (giao thông, điện lực, hạ tầng số...), các chương trình tín dụng chính sách đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.
“Để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành một cách đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến KTVM, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời sẽ kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng”, Phó Thống đốc cho biết.
Ổn định KTVM tiếp tục là trụ cột cần ưu tiên
Bên cạnh những kết quả tích cực, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều thách thức như diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, sức ép chỉ đạo điều hành KTVM; tăng trưởng GDP 6 tháng tuy khả quan nhưng thấp hơn kịch bản đã đề ra (7,6%), tạo sức ép lên các quý tiếp theo; một số quy định pháp luật, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ 1/7/2025 với nhiều yếu tố mới (con người, quy định, thẩm quyền, không gian phát triển, yêu cầu…); buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc và thiên tai, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Tổng Bí thư Tô Lâm, kiên định mục tiêu tăng trưởng 8%, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ then chốt.
Trước tiên, việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp phải được tổ chức hiệu quả, thông suốt. Chính phủ yêu cầu triển khai đồng bộ 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, không duy trì cổng cấp tỉnh từ ngày 1/7. Về chính sách đối ngoại, cần chủ động thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và ổn định chuỗi cung ứng.
Ổn định KTVM tiếp tục là trụ cột cần ưu tiên. Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tăng thu ngân sách trên 15%, đẩy mạnh đầu tư công và tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung nguồn lực cho an sinh xã hội. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới; đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết, đồng thời thúc đẩy các FTA mới.
Trong lĩnh vực hạ tầng, Chính phủ yêu cầu hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và hơn 1.000 km đường ven biển trong năm 2025, đồng thời chuẩn bị điều kiện để triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao. Cùng với đó, việc xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị – đặc biệt là 2.365 dự án kéo dài – được xem là nhiệm vụ trọng tâm để giải phóng nguồn lực, chống lãng phí.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị. Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được đặc biệt quan tâm. Chính phủ chỉ đạo triển khai tốt các chính sách nhà ở cho người có công, người nghèo có thu nhập thấp; hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7 và toàn quốc trước 31/8/2025.
Đỗ Lê
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-gdp-dat-muc-cao-nhat-trong-gan-hai-thap-nien-166796.html