Nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, Trung ương và tỉnh đầu tư hệ thống cống trên tuyến kênh 3/2, thuộc địa phận xã Phước Hưng, huyện Trà Cú.
Kết quả này khẳng định sự tăng trưởng toàn diện, đồng bộ của các ngành công nghiệp - xây dựng tốc độ tăng trưởng vượt cao, giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng bình quân 29,59%/năm; năm 2023 đạt 15,63%, tạo điều kiện cho toàn nền kinh tế tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian này; năm 2024, ước tăng 20,17% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính tạo tăng trưởng nhanh trong ngành công nghiệp - xây dựng là việc đưa vào hoạt động 04 Nhà máy Nhiệt điện, tổng công suất 4.498MW và 05 Nhà máy điện gió, tổng công suất 322MW, dự án điện mặt trời công suất 140MW và 1.149 hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, tổng công suất 34MW. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức gia tăng quy mô của nền kinh tế cũng có những bước tiến vững chắc (mức gia tăng GRDP trên 01% tăng trưởng theo các năm), đây chính là cơ sở đảm bảo cho cải thiện mức sống dân cư trên địa bàn.
Chính từ sự phát triển đồng bộ, góp phần tổng thu nội địa của tỉnh tăng qua các năm. Cụ thể, 573,892 tỷ đồng (năm 2010), 1.522,902 tỷ đồng (năm 2015), 5.031,120 tỷ đồng (năm 2020) và năm 2024, ước đạt 18.632 tỷ đồng, đạt 136,38% dự toán. Trong đó, thu nội địa 6.300 tỷ đồng, đạt 101,29% dự toán, tăng 6,18% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.450 tỷ đồng, đạt 112,49% dự toán, tăng 32,86% so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 đạt 61.618 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 62,567 triệu đồng/năm. Năm 2023 đạt 83.375 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 81,75 triệu đồng/năm; năm 2024, ước đạt 93.006 tỷ đồng, tăng 8.855 tỷ đồng so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 90,84 triệu đồng/người, đạt 102,08% Nghị quyết (tương đương vượt 1,85 triệu đồng).
Trước sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, nghị quyết của Tỉnh ủy; HĐND tỉnh; sự điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh, các địa phương, nên cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đi đúng hướng. Giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản còn 29,41% (so với năm 2015 là 45,92%); tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lên 70,59% trong GRDP (so với năm 2015 là 54,08%). Hoạt động kinh tế hướng vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, chú trọng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao.
Nội ngành nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển đa dạng, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 338 sản phẩm phẩm OCOP. Trong đó, có 293 sản phẩm đạt 3 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao, 07 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 03 sản phẩm đạt 5 sao. Với tổng 224 chủ thể (28 công ty, 06 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã, 03 tổ hợp tác và 148 hộ kinh doanh). Phát triển kinh tế hợp tác, tham gia sản xuất nông sản an toàn, liên kết chuỗi giá trị; nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh đang hình thành và phát triển tại các địa phương.
Nhằm đảm bảo điều kiện để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, tỉnh luôn quan tâm đào tạo nguồn lao động; Trà Vinh có nguồn lao động dồi dào, những năm qua, về cơ cấu lao động, số lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp (khu vực 1) sang khu vực công nghiệp, xây dựng (khu vực 2) và khu vực dịch vụ (khu vực 3). Chất lượng lao động của tỉnh đã tăng đáng kể. Năm 2020, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc và đóng góp vào nền kinh tế, có 68,46% lao động đã qua đào tạo (tăng 23,46% so với năm 2015), cao hơn mức chung của cả nước (năm 2020 đạt 62%), năm 2023 lao động đã qua đào tạo đạt 69,3%; năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn, tuyển sinh các cấp trình độ đào tạo nghề cho 19.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69,67%. Trong đó, có văn bằng, chứng chỉ đạt 36,10%, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 02% (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết).
Phát huy những kết quả đạt được của những năm qua nói chung, năm 2024 nói riêng; là nền tảng quan trọng cho thực hiện Nghị quyết năm 2025. Để đạt chỉ tiêu, tỉnh phát động đợt thi đua đặc biệt từ nay đến hết năm 2025 nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển quê hương Trà Vinh, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 05 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN