Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua
11 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025. (Ảnh: Gia Thành)
Chiều 3/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo.
Các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt
Tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế-xã hội tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà hoàn thành thắng lợi các mục tiêu năm 2025.
Trong đó nổi bật là: Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý sau cao hơn quý trước, tính chung 6 tháng cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua. Ước tính sớm vào cuối tháng 5, GDP quý II/2025 đạt khoảng 7,7%, 6 tháng tăng 7,3%. Cập nhật số liệu đến nay, GDP 6 tháng có thể tăng thêm 0,2-0,3%, tiệm cận mục tiêu đã đề ra.
Cả 3 khu vực nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ đều tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tháng tăng 9,3%.
Đặc biệt, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt. Tính theo 63 tỉnh, thành phố cũ: 10 địa phương tăng trưởng 2 con số. Tính theo 34 tỉnh, thành phố mới: có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số (Quảng Ngãi tăng 11,51%, Hải Phòng 11,2%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47%, Phú Thọ 10,09%).
Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%. Xuất nhập khẩu tháng 6 đạt gần 76,15 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đạt trên 432 tỷ USD, tăng 16,1%, xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2025 tăng 8,3%, quý II/2025 tăng 10,5%, 6 tháng tăng 9,8%. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6 đạt 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ 4,26%. Thu hút FDI 6 tháng đạt 21,5 tỷ USD, tăng 32,5%, cao nhất 15 năm qua; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 8,1%.
Bên cạnh đó hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Đưa vào khai thác thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.268 km. Ngày 19/4 đã đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình lớn trên cả nước.
Trong tháng 6 có 24,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124,3 nghìn hộ, tăng 118,4%. Khách quốc tế phục hồi mạnh; tháng 6 đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 17,1%; 6 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7%.
Đồng thời, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ tội phạm trong 6 tháng năm 2025 giảm 22,55% so với cùng kỳ.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, duy trì được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Đặc biệt, ngày 2/7/2025, Việt Nam-Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.
11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, tỷ giá còn cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. Tăng trưởng GDP 6 tháng tuy khả quan nhưng thấp hơn kịch bản đã đề ra (7,6%), tạo sức ép lên các quý tiếp theo.
Song song với đó, một số quy định pháp luật, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ 1/7với nhiều yếu tố mới (con người, quy định, thẩm quyền, không gian phát triển, yêu cầu…). Buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc và thiên tai, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, Thủ tướng chỉ đạo, tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung riển khai sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp:
Thứ hai, thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Thứ ba, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước; phấn đấu tăng thu trên 15%; đẩy mạnh đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để làm an sinh xã hội.
Thứ tư, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Thứ năm, tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là 2.365 dự án theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số.
Thứ bảy, triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị.
Thứ tám, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ chín, chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Thứ mười, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Mười một, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo sức lan tỏa, đồng thuận xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Gia Thành
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/tang-truong-kinh-te-viet-nam-6-thang-dau-nam-2025-cao-nhat-cung-ky-trong-gan-20-nam-qua-319802.html