Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex- chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Bình), mới đây có báo cáo gửi UBND TP.HCM đề xuất phương án chuyển đổi Khu công nghiệp Tân Bình trở thành Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Theo báo cáo của Tanimex, Khu công nghiệp Tân Bình đã hoạt động 27 năm, thời hạn còn lại là 23 năm. Còn Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng đã hoạt động 17 năm, thời gian còn lại là 33 năm.
Hiện nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có 198 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp FDI là 68 doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước là 130 doanh nghiệp.
Khu công nghiệp hiện đang thu hút các ngành nghề như logistics; chế biến thực phẩm; cơ khí; may mặc, dệt may … với tổng số lao động là 19.076 người.
Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM
Theo Đề án “Định hướng phát triển các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 1353/QĐ-UBND ngày 11/4/2023 thì Khu công nghiệp Tân Bình được định hướng phát triển thành Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Việc chuyển đổi nhằm phù hợp với xu thế phát triển của mô hình kinh tế số, kinh tế xanh trên địa bàn Thành phố thời gian tới.
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, tạo đột phá trong phát triển khu công nghiệp, Tanimex đề xuất Nhà nước cần có cơ chế, chính sách riêng cho chủ đầu tư khu công nghiệp hiện hữu thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch lại, đền bù, hỗ trợ, thỏa thuận doanh nghiệp thứ cấp di dời, chuyển đổi.
Đối với quy hoạch cần công bố sớm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nắm được định hướng để chủ động chuyển đổi, di dời,
Tanimex cũng đề xuất gia hạn cho chủ đầu tư khu công nghiệp hiện hữu thêm 1 chu kỳ của dự án (50 năm). Trên cơ sở đó, chủ đầu tư mới có điều kiện huy động vốn và các nguồn lực khác để đền bù và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi và di dời theo chính sách của Nhà nước.
Nhà nước cần ban hành sớm các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế, phí... để chủ đầu tư có cơ sở tính toán, xây dựng khung giá đền bù, di dời, xây dựng các tiêu chí chuyển đổi...
Ngoài ra, Thành phố đầu tư xây dựng khu công nghiệp mới hoặc bố trí quỹ đất tại khu công nghiệp hiện hữu khác để ưu tiên tiếp nhận các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tân Bình không đáp ứng các tiêu chí để được ở lại nên phải di dời.
Về cơ chế chính sách ưu đãi, Tanimex kiến nghị, các cơ quan có liên quan của TP.HCM xây dựng phương án hỗ trợ và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp di dời trước hạn theo nguyên tắc đền bù giảm dần.
Điều này có nghĩa rằng, doanh nghiệp nào di dời nhanh sẽ được đền bù với giá cao, doanh nghiệp nào di dời chậm sẽ được đền bù với giá thấp hơn. Biện pháp này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi và di dời nhanh hơn.
“Theo quan điểm của Tanimex, giải pháp trên sẽ giúp tiến độ chuyển đổi được đẩy nhanh, giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước, hạn chế việc ban hành thêm các giải pháp và chính sách cho riêng các doanh nghiệp phải di dời và chuyển đổi.
Nếu được sự quan tâm của Chính quyền Thành phố, Công ty Tanimex sẽ phối hợp cùng các ban ngành liên quan cùng xây dựng đề án thực hiện, chi tiết hóa các yêu cầu công việc, thời gian, tiến độ và đề xuất những giải pháp cụ thể” văn bản của Tanimex nêu.
Lê Quân