Tạo bước chuyển lớn trong phong cách làm việc trọng dân

Tạo bước chuyển lớn trong phong cách làm việc trọng dân
6 giờ trướcBài gốc
Học tập và làm theo tư tưởng của Bác, nhiều địa phương đã tạo ra những bước chuyển lớn trong xây dựng một chính quyền nghe dân và hiểu nguyện vọng của dân.
Lắng nghe sẽ hiểu rõ nguyện vọng của dân
Tại Hà Nội, trong nhiều năm qua, lãnh đạo TP vẫn duy trì lịch tiếp công dân định kỳ hằng tháng để lắng nghe dân, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh. Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, từ giữa năm 2021 đến tháng 2/2025, lãnh đạo UBND TP đã tiếp thường xuyên 8.656 lượt với 14.015 công dân; 280 lượt đoàn đông người với 1.527 công dân. Lãnh đạo UBND TP duy trì lịch tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ ba của tuần thứ 3 hằng tháng tại trụ sở Tiếp công dân TP và đã tiếp 702 lượt với 1.754 công dân, 47 lượt đoàn đông người. Cùng với đó, lãnh đạo TP cũng tăng cường tiếp dân theo vụ việc; trực tiếp đối thoại với công dân có đơn, xử lý đơn và chỉ đạo ngay các cơ quan giải quyết.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà tiếp công dân, ngày 27/3. Ảnh: Thịnh An
Tại cơ sở, người đứng đầu cấp ủy các cấp, ngành, đơn vị đã chủ động việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị ngay từ khi phát sinh tại cơ sở, không để phát sinh thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự; tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, qua đó kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác này. Qua tiếp công dân và tiếp nhận hồ sơ, đơn thư của công dân đã được phân loại và xử lý bảo đảm quy định; các buổi tiếp dân cũng là dịp để lãnh đạo các cấp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị và hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy định.
Bên cạnh công tác tiếp công dân trực tiếp, Hà Nội cũng mở rộng kênh tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân, DN trên địa bàn TP thông qua môi trường số, kênh Zalo… TP đã hình thành nền tảng ứng dụng mạng xã hội “Công dân Thủ đô số” (iHanoi), qua đó giúp người dân, DN tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền TP trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời. Cùng với đó, TP đã lắp đặt và vận hành hệ thống hội nghị trực tuyến từ trụ sở Tiếp công dân TP đến điểm cầu các quận, huyện, thị xã phục vụ công tác tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo TP. Việc tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến này đã giúp giải quyết những tình huống phát sinh phức tạp trong việc tiếp công dân như tình trạng tập trung đông người khiếu nại, tố cáo. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc đa dạng các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, DN, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện tích hợp công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã tạo đột phá trong việc tăng sự tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, DN với các cấp chính quyền. Đây sẽ là cơ sở để TP tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ theo quy định trong điều kiện hiện nay; tăng cường đối thoại với công dân nhằm xử lý dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, tránh để kéo dài, vượt cấp.
Thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm
Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 308-KH/TU về thực hiện Kết luận số 107-KL/TW ngày 24/12/2024 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh” trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân. Thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định; chỉ đạo giải quyết các vụ việc ngay từ khi phát sinh, tránh khiếu kiện vượt cấp. Đặc biệt phải coi đây là công việc thường xuyên, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị thuộc TP. Đồng thời là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền
Với quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng cũng như nhiều tỉnh, thành vẫn có thể gia tăng, tập trung vào các vấn đề dân sinh bức xúc liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường... Như nhiều ý kiến đã nhận định, để gần dân, thực sự lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của dân như tư tưởng của Bác, người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần tiếp tục xác định rõ thẩm quyền, tăng tiếp dân, chủ động đối thoại, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, đặc biệt là với các vấn đề nóng. Chỉ có sự lắng nghe, đi đến cùng vụ việc, và với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp sẽ giúp tháo gỡ những lực cản lớn cho chính các địa phương trong việc tạo đồng thuận để phát triển bứt phá.
Trần Hà
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tao-buoc-chuyen-lon-trong-phong-cach-lam-viec-trong-dan.693774.html