Người tâm thần được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh. Ảnh: KIM CHI
Triển khai Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần (NTT), trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh đang nỗ lực tạo cơ hội để những trường hợp này được chăm sóc tốt và hòa nhập cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Theo Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh hiện có gần 2.500 người mắc bệnh tâm thần nặng; trong đó, 1.433 người bị tâm thần phân liệt, 657 người bị rối loạn tâm thần và 397 người chưa xác định được dạng tật cụ thể. Hầu hết gia đình của những người này hoàn cảnh rất khó khăn, thu nhập thấp, trong khi các chương trình và chính sách xã hội dành cho họ còn hạn chế.
Thời gian qua, Sở LĐTB&XH đã đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề sức khỏe tâm thần thông qua nhiều hình thức… Đồng thời huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Chị Cao Thị Thu Hà, cộng tác viên công tác xã hội xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) chia sẻ: Tôi đã tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần do Sở LĐTB&XH tổ chức. Lớp tập huấn cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về bệnh tâm thần, đặc biệt là cách chăm sóc, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình chăm sóc người bệnh... Qua đó, tôi có thêm kinh nghiệm để áp dụng trong quá trình tiếp cận, chăm sóc NTT ở cơ sở.
Còn anh Nguyễn Thành, cộng tác viên công tác xã hội xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) cho biết anh cùng cán bộ văn hóa xã hội của xã đang hỗ trợ, hướng dẫn, trợ giúp tâm lý cho anh N.T.H. Anh H bị tâm thần nhẹ, lúc tỉnh thì không sao, nhưng khi lên cơn lại quậy phá. Gia đình anh H thuộc diện hộ cận nghèo, được các cấp chính quyền, hội đoàn thể và các tấm lòng hảo tâm cưu mang, hỗ trợ.
Kịp thời tư vấn, hỗ trợ
Theo các ngành chức năng, hiện nay vẫn còn nhiều trẻ tự kỷ, những người mắc chứng trầm cảm, tâm thần không được phát hiện sớm, không coi trọng hoặc vì nhiều lý do đã bị bỏ qua dẫn tới bỏ lỡ giai đoạn vàng trong can thiệp, khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng. Nhiều người chưa có sự cảm thông với NTT, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Thông qua việc triển khai Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh đã cung cấp các dịch vụ cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần và gia đình như: Tư vấn, hỗ trợ các vấn đề có liên quan đến việc phát hiện, chăm sóc, quản lý người bệnh tại gia đình, cộng đồng. Duy trì thường xuyên việc cử cán bộ trực tiếp đến cộng đồng, gặp gỡ gia đình, tiếp cận các đối tượng bị trầm cảm, gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống gia đình và xã hội để tư vấn, can thiệp trị liệu cho đối tượng. Đồng thời giúp sàng lọc, phát hiện, hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với các đối tượng này.
“Với sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng, NTT, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí sẽ từng bước thay đổi hành vi, cải thiện bệnh tật, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bà Hiền khẳng định.
Trong 2 năm 2024 và 2025, mỗi năm toàn tỉnh phấn đấu ít nhất 80% NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm.
HOÀNG LÊ