Chú trọng tới chương trình phát triển điện hạt nhân
Ngày 27/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Luật gồm 8 chương, 73 Điều.
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin thêm về những điểm mới của Luật này so với Luật Năng lượng nguyên tử ban hành năm 2008.
Theo ông Linh, trong 8 chương của Luật, có chương IV là chương mới quy định về nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Chương này được thiết kế đặt ra các quy định để đảm bảo an toàn, an ninh đối với các hạt nhân cũng như là các lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.
Chương V thể hiện các quy định về cách thức của Việt Nam sẽ quản lý đối tượng phạm vi điều chỉnh của luật này thông qua hoạt động thông báo, khai báo, cấp phép, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
Ông Linh cho biết, khi xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi năm 2008 cũng dựa trên một số nguyên tắc.
Đó là kế thừa trên các quy định còn phù hợp của Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi năm 2008. Luật được xây dựng cũng ngắn gọn hơn rất nhiều so với Luật trước đây.
"Đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật, luật cũng xây dựng theo hướng luật khung, chỉ quy định các nội dung thẩm quyền của Quốc hội", ông Linh cho hay.
Luật cũng được xây dựng theo một kết cấu mới, chú trọng tới chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.
Trong đó, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cũng đưa ra sổ tay hướng dẫn xây dựng luật cho các quốc gia, hay viết tắt gọi là "luật khung của IAEA". Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được xây dựng, tận dụng dựa trên các quy định của quốc tế, đặc biệt liên quan tới các quy định về đảm bảo an toàn, an ninh của các cơ sở hạt nhân.
"Luật này khá tương thích với luật khung, các quy định chung của IAEA liên quan tới lĩnh vực năng lượng nguyên tử", ông Linh thông tin.
Ông Linh cũng nêu thêm, điểm đặc biệt trong Luật này đó là tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.
Trong đó chú trọng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Bên cạnh đó, chuẩn bị triển khai lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Đồng Nai làm cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển lĩnh vực phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, theo ông Linh, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) cũng thể chế hóa "bộ tứ trụ cột" rất cụ thể. Cùng với đó, luật cũng tạo ra một số chính sách mang tính chất đột phá.
5 điểm mới nổi bật của Luật
Ông Linh cũng nêu 5 điểm mới nổi bật của Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Một là, Luật đã tạo ra khung pháp lý phù hợp với các quy định của IAEA cho chương trình phát triển nhà máy điện hạt nhân.
Trong đó, có một số nội dung phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Ví dụ như liên quan tới cơ chế, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn của chúng ta đối với nhà máy điện hạt nhân còn yếu, trong Luật đã có cơ chế cho phép để áp dụng tiêu chuẩn của các nước, các nhà cung cấp công nghệ, thiết bị cho chúng ta.
Và chúng ta cũng có cơ chế để xây dựng năng lực cũng như thuê các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ cho việc thẩm định các dự án nhà máy điện hạt nhân.
Tức là sử dụng chuyên gia của IAEA cũng như chuyên gia giỏi của các nước để giúp Việt Nam triển khai việc thẩm định hoạt động này.
Chú trọng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 (Ảnh minh họa).
Hai là, Luật xác lập một vai trò và vị trí pháp lý của cơ quan an toàn bức xạ hạt nhân quốc gia. Theo đó, cơ quan này sẽ là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương về năng lượng nguyên tử, giúp thẩm định và quản lý toàn bộ hoạt động an toàn an ninh trong quá trình triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, từ khâu phê duyệt, địa điểm, thiết kế, cho đến khâu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vận hành thử, vận hành chính thức và chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân.
"Xuyên suốt trong chu trình thực hiện nhà máy điện hạt nhân như vậy thì cơ quan này sẽ là cơ quan chuyên môn giúp cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng nguyên tử ở Trung ương phối hợp các bộ ngành", ông Linh nói.
Điểm mới thứ ba, Luật cũng đưa ra quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Trong đó, quy định phải xây dựng một nền tảng số quốc gia về an toàn bức xạ nhân và phát triển năng lượng nguyên tử.
Theo đó, toàn bộ các hoạt động quản lý hoạt động của nhà máy điện hạt nhân, quản lý các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, theo dõi các trạm quan trắc môi trường phóng xạ đều được tích hợp trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, toàn bộ quá trình theo dõi, khai báo, thông báo, cấp phép cũng sẽ được xử lý hoàn toàn trên môi trường số.
Bốn là, Luật thúc đẩy hoạt động xã hội hóa toàn diện đối với hoạt động năng lượng nguyên tử.
Luật khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua các hình thức như đối tác công tư, viện trợ, tài trợ, thuê hoặc cho thuê, mua trả chậm các thiết bị, hợp tác đào tạo, nghiên cứu.
Đồng thời, Luật cũng đưa ra các yêu cầu để phát triển nguồn nhân lực, trong đó có các quy định, cơ chế chính sách để thu hút chuyên gia, nhân lực có trình độ cao, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào hoạt động phát triển lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Điểm mới cuối cùng, Luật cũng đưa ra các chính sách để từng bước Việt Nam có thể làm chủ công nghệ điện hạt nhân. Việt Nam ưu tiên tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, đồng thời chú trọng đến phát triển năng lực nội địa hóa trong thiết kế, chế tạo thiết bị hạt nhân và hướng tới hình thành ngành công nghiệp hạt nhân trong nước.
Hoàng Thị Bích