Tạo cơ sở pháp lý trong quản lý hải quan với thương mại điện tử xuyên biên giới

Tạo cơ sở pháp lý trong quản lý hải quan với thương mại điện tử xuyên biên giới
2 giờ trướcBài gốc
Ngành Hải quan tích cực triển khai các giải pháp quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hoàn thiện cơ chế quản lý
Việt Nam được coi là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Năm 2023, tổng doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử đã đăng ký tại Việt Nam đạt khoảng 498,9 nghìn tỷ đồng. Theo công bố của Amazone, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam tăng trưởng trên 20% mỗi năm và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, bao gồm cả việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử.
Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau như: hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh thì được thực hiện theo quy định về hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh; hàng hóa gửi qua dịch vụ đường biển, đường bộ, đường không thông thường thì thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa thông thường.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.
Dự thảo Nghị định đã xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách thương mại điện tử, chính sách mặt hàng, thanh toán nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển, đảm bảo vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước.
Dự thảo cũng xây dựng một hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Cùng với đó, quy định thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử.
Theo Tổng cục Hải quan, việc ban hành Nghị định còn phụ thuộc tiến độ đầu tư Hệ thống hải quan số. Đồng thời, ngành Hải quan cũng cần thời gian để rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo làm sao các quy định của hoạt động thương mại điện tử vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua bán được nhanh chóng, được nhận hàng nhanh, các sàn giao dịch thương mại điện tử có các điều kiện được phát triển ở Việt Nam nhưng đồng thời phải bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo tiêu dùng trong nước
Chia sẻ về nội dung này, ông Đào Duy Tám - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, dự thảo nghị định này đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ từ năm 2023. Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau khi có hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch trên sàn thì khi đó Nghị định này sẽ ban hành và chính thức đi vào cuộc sống. Trong giai đoạn hiện nay, khi tham gia vào các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân thường mua hàng thông qua các hệ thống giao dịch điện tử, hoạt động vận chuyển hàng hóa được thực hiện thông qua các cái công ty chuyển phát nhanh.
Phó Cục trưởng Đào Duy Tám khẳng định, cơ quan hải quan luôn tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch dựa trên nguyên tắc tuân thủ các thông lệ quốc tế cũng như các Công ước về quản lý đối với hàng hóa vận chuyển, bưu chính chuyển phát nhanh, tuân thủ các tiêu chuẩn miễn thuế tuân thủ theo các quy định về của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách để đảm bảo các quy định của hoạt động thương mại điện tử vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua bán được nhanh chóng, cũng như là bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), việc quản lý hải quan đối với thương mại điện tử cần thông tin để đảm bảo quản lý tập trung. Thông tin này bao gồm cả về người bán, người mua, hàng hóa, thành phẩm có liên quan, để người tham gia trong chuỗi cung ứng hay cơ quan quản lý nhà nước cùng theo dõi một cách toàn trình, đồng bộ hóa. Từ đó, giúp cho công tác từ khai báo hải quan điện tử đến kê khai thuế, theo dõi thanh toán cũng như là phòng, chống trục lợi, gian lận và cũng như bảo vệ các giá trị hay là Luật sở hữu trí tuệ sẽ được tốt hơn.
Bà Đỗ Thị Thu Thủy - Giám đốc Pháp lý và Hải quan, Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển phát nhanh DHL - VNPT cho hay, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp. Thời gian qua, cơ quan hải quan đã hỗ trợ mạnh mẽ, đồng hành cùng doanh nhiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan.
"Chúng tôi cũng kỳ vọng để Nghị định có thể được ban hành sớm và sớm đưa vào hiệu lực để làm sao giúp cơ quan hải quan quản lý một cách hiệu quả cũng như đảm bảo tạo thuận lợi thương mại", bà Thủy nhấn mạnh.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/tao-co-so-phap-ly-trong-quan-ly-hai-quan-voi-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi.html?source=cat-84