Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh: Thực tiễn hơn 11 năm thi hành Hiến pháp 2013 cho thấy, bên cạnh những thành tựu quan trọng, các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.
Đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, đối tượng vận động. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội tuy đã được quy định nhưng hiệu quả chưa cao, có lúc còn hình thức, né tránh, thiếu cơ chế theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Việc tập hợp ý kiến Nhân dân có nơi, có lúc chưa kịp thời, sâu sát. Quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức thành viên còn hạn chế.
Đối với tổ chức chính quyền địa phương, mô hình 3 cấp bộc lộ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ, tăng thủ tục hành chính, chậm triển khai chính sách. Nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực. Năng lực và thẩm quyền của chính quyền cấp xã còn hạn chế. Việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chưa thực sự mạnh mẽ.
“Từ những bất cập trên đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt hiến định để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định.
Tại hội thảo, các tham luận tập trung tập trung góp ý các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; quy định thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
Sau hội thảo, Sở Tư pháp sẽ tổng hợp toàn bộ các tham luận, ý kiến mà các đại biểu đã trình bày, đóng góp để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố, gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
THÁI BÌNH