Tạo đà đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Nga

Tạo đà đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Nga
12 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Nga và tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, từ ngày 8-11/5.
Chia sẻ với TG&VN trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, chuyến thăm khẳng định tính kế thừa lịch sử, thực trạng quan hệ song phương và hướng tới tương lai mới.
Nhiều thành quả tự hào
Theo Bộ Công Thương, năm 2024, trao đổi hàng hóa giữa hai bên đạt 4,58 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 2,34 tỷ USD, tăng 34%. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD, tăng 18,9%.
Riêng quý I/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,11 tỷ USD, tăng 0,3% so với năm 2024; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt gần 0,54 tỷ USD, tăng 3%. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nga đạt 0,56 tỷ USD, giảm 2,2%.
Đáng lưu ý, các nhóm hàng có mức tăng trưởng cao gồm giày dép; đồ chơi, dụng cụ thể thao; càphê; gỗ và các sản phẩm gỗ; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Ngoài ra, về tỷ trọng trong xuất khẩu, càphê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nga. Kế đó là dệt may xếp ở vị trí thứ 2; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác xếp vị trí thứ 3 và thủy sản xếp ở vị trí thứ 4.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko ngày 9/4/2025. (Nguồn: Bộ Công Thương)
Bộ Công Thương nhận định, năm 2025 hai nước cần đẩy mạnh trao đổi thương mại hai bên lên mức cao hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là với Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA), trong đó Nga là thành viên chủ chốt.
Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA có hiệu lực từ tháng 10/2016, đến nay nhiều dòng thuế được cắt, giảm nhưng tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ (form EAV) của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga hiện chưa được khai thác hết.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị, để mở rộng thị trường Nga, doanh nghiệp cần tận dụng lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định, đặc biệt với các nhóm sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như cà phê, trái cây, chè, hạt tiêu...
Đồng thời cần thiết lập sự tương tác tích cực hơn giữa các doanh nghiệp hai bên, bao gồm việc tổ chức trao đổi thường xuyên các diễn đàn doanh nghiệp, tham gia các hội chợ, triển lãm. Bên cạnh đó, mở văn phòng đại diện, thành lập doanh nghiệp, nghiên cứu rõ hơn về thói quen tiêu dùng của người dân Nga, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn.
Tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, năng lượng và hợp tác đầu tư.
Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, thực chất về tình hình hợp tác song phương và các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương, hướng tới mục tiêu đạt 10-15 tỷ USD vào năm 2030 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị phía Nga tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt trong EAEU, thúc đẩy dỡ bỏ biện pháp phòng vệ ngưỡng đang áp dụng với một số mặt hàng dệt may, giày dép của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Việt Nam-EAEU FTA nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại giữa hai bên.
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, trải qua 75 năm với nhiều biến động nhưng hợp tác giữa Việt Nam và Nga, trong đó có hợp tác kinh tế - thương mại đạt được nhiều thành quả đáng tự hào.
"Với sự phát triển tích cực, Việt Nam và Nga đã trở thành đối tác quan trọng của nhau trong hợp tác kinh tế - thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khối ASEAN, trong khi đó Nga là một trong năm đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu.
Bộ Công Thương nhận định, năm 2025 hai nước cần đẩy mạnh trao đổi thương mại hai bên lên mức cao hơn. (Nguồn: Kinh tế Chứng khoán)
Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu cho Nga nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản, hàng dệt may, điện tử... còn Nga là nước xuất khẩu lớn cho Việt Nam than đá, phân bón, hóa chất, thiết bị máy móc...", ông Minh nhấn mạnh.
Để tăng cường xuất khẩu sang Nga, ông Dương Hoàng Minh cho rằng, với một thị trường lớn, đa dạng và nhiều cạnh tranh như Nga, để nhắm tới mục tiêu chiếm lĩnh thị phần tương đối, doanh nghiệp cần thiết lập chiến lược định vị thương hiệu bài bản và kế hoạch triển khai cụ thể.
Ngoài việc thường xuyên tham gia xúc tiến thương mại, doanh nghiệp cần mở văn phòng đại diện hoặc thành lập công ty con, cử cán bộ sang làm việc tại Nga để cập nhật tình hình, xu hướng thị trường cũng như thói quen mua sắm phục vụ việc xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Dương Hoàng Minh khuyến cáo doanh nghiệp nghiên cứu kỹ quy định của nước sở tại về chất lượng, bao bì, nhãn mác..., đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tại Nga để bảo vệ thương hiệu tránh vướng phải rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh tại thị trường.
Riêng với doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm hợp tác với thị trường Nga nên xem xét tận dụng ưu đãi của Hiệp định Việt Nam-EAEU FTA cũng như ưu đãi đầu tư của Nga để đầu tư sản xuất tại thị trường đầy tiềm năng này.
“Thương vụ Việt Nam tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp, tư vấn, hỗ trợ, kết nối hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn phát triển xuất khẩu sang thị trường Nga," ông Dương Hoàng Minh khẳng định.
Ngoài ra, ông Dương Hoàng Minh gợi ý, việc tham gia hội chợ chuyên ngành sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam tại Nga. Minh chứng, Đoàn Việt Nam tham gia Hội chợ Worldfood Moscow 2024 nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu Việt và thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ tại thị trường rộng lớn này.
Còn bà Meshcheryakova Elena - Trưởng phòng phát triển chiến lược, Trung tâm thương mại Food City, chia sẻ gần đây, hàng nông sản Việt Nam gia tăng tại thị trường Nga, một số mặt hàng còn củng cố được vị trí trên thị trường chứng tỏ hàng hóa từ Việt Nam có chất lượng tốt và được người tiêu dùng Nga ưa chuộng.
"Các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà kinh doanh bán buôn và bán lẻ tại Nga. Food City sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để đưa sản phẩm chất lượng vào phân phối tại đây," bà Meshcheryakova Elena cho hay.
Năng lượng - lĩnh vực hợp tác chiến lược và hiệu quả
Về đầu tư, tính đến hết tháng 3/2025, Nga có 204 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD. Ngược lại, Việt Nam có 16 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Nga với tổng vốn khoảng 1,6 tỷ USD, xếp thứ 4 trong số 81 quốc gia Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.
Hợp tác của Việt Nam và Nga trong một số lĩnh vực đạt thành tựu lớn như lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí với liên doanh Vietsovpetro.
Đây là dự án tiêu biểu nhất trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên trong gần 4 thập kỷ đã qua với đóng góp 80% sản lượng dầu khí khai thác của Việt Nam. Vietsovpetro được thành lập trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Nga, là đơn vị tiên phong trong ngành dầu khí Việt Nam.
Ngoài dự án này, một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam cũng hợp tác với doanh nghiệp Nga như TH True Milk hợp tác chăn nuôi bò sữa tại Nga, dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của TH…
Hợp tác của Việt Nam và Nga trong một số lĩnh vực đạt thành tựu lớn như lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí với liên doanh Vietsovpetro. (Nguồn: Petro Việt Nam)
GS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới - cho biết, quan hệ kinh tế Việt Nam-Nga không chỉ được phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực mà còn được đi vào chiều sâu, thực chất, trong đó, Nga là đối tác duy nhất hợp tác với Việt Nam để thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi.
"40 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí luôn phát triển mạnh mẽ. Trong lĩnh vực khai thác và lọc hóa dầu, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nga cũng rất bền chặt, giúp chúng ta từng bước tự chủ trong xây dựng giàn khoan, tự chủ vận hành, điều hành một số nhà máy lọc dầu trong nước", TS Võ Đại Lược dẫn chứng.
Theo Bộ Công Thương, trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Nga sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác dầu khí tại hai nước. Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý các loại hình năng lượng mới. Doanh nghiệp Nga cần quan tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định đầu tư và lựa chọn dự án phù hợp để tham gia đấu thầu tại Việt Nam.
Khoa học, công nghệ - lĩnh vực hợp tác triển vọng
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho biết, trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo cấp cao nhất hai nước có thể trao đổi định hướng lớn phát triển quan hệ song phương không chỉ cho 5 - 10 năm tới mà có thể dài hơn nữa. Trong đó, khoa học - công nghệ được xem là lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa hai nước.
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, Liên Xô (trước đây) và Nga ngày nay là cường quốc về khoa học - công nghệ. Nghiên cứu cơ bản của Nga rất tốt và gần đây phát triển mạnh từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng. Mặc dù thời gian qua, Liên bang Nga gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực hạt nhân, lượng tử, trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ mới, năng lượng xanh…
Trong bối cảnh Việt Nam đang khởi động trở lại dự án điện hạt nhân, hợp tác trong lĩnh vực này với Nga - đối tác có kinh nghiệm hàng đầu thế giới, sẽ giúp Việt Nam vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ngoài ra, hai nước cũng còn nhiều lĩnh vực khác để hợp tác như giao thông - vận tải, logistics…
Chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm diễn ra vào thời điểm đặc biệt, thể hiện sự coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Với nền tảng lịch sử vững chắc, sự tin cậy chính trị cao và tiềm năng hợp tác rộng lớn, hai nước hoàn toàn có cơ sở để đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn và phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại mới.
(tổng hợp)
Xuân Cúc
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/tao-da-dot-pha-cho-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-nga-313837.html