Toàn cảnh hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, TS Đặng Thị Thanh Thảo – Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Đào tạo - Giáo dục chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Quản lý giáo dục) nhấn mạnh, học tập và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ bắt buộc, song hành của học viên, nghiên cứu sinh khi người học tham gia học tập tại Học viện.
Hiện, Học viện có Tạp chí Quản lý giáo dục, TS Đặng Thị Thanh Thảo cho hay. Đây là Tạp chí khoa học chuyên ngành, được Hội đồng chức danh giáo sư công nhận và tính điểm khoa học cho mỗi bài báo là 0,75 điểm.
PGS.TS Phạm Văn Thuần – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục phát biểu tại hội thảo.
Điều kiện mới nhất đối với thí sinh thi đầu vào thạc sĩ là 1 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành khi có bằng tốt nghiệp đại học trung bình và trung bình khá. Thống kê 3 năm gần nhất cho thấy, năm 2022: có 6 bài viết/38 thí sinh dự thi; 2023: 12 bài viết/62 thí sinh; 2024:12 bài viết/65.
“Trên tinh thần đó, Học viện đã giúp cho học viên, nghiên cứu sinh đang học tập trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và cán bộ, giảng viên được tham gia các diễn đàn trao đổi học thuật” - TS Đặng Thị Thanh Thảo trao đổi, đồng thời cho hay, Hội nghị khoa học năm nay với 26 tác giả bài báo của các học viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, nhà khoa học của Học viện và các cơ sở giáo dục khác.
TS Đặng Thị Thanh Thảo báo cáo tại hội nghị.
Đề cập đến phát triển năng lực số cho giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số, ThS Phạm Hoàng Khánh Linh – giảng viên Khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục – nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động đến các cấp, ngành và lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, phát triển năng lực số cho giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học là mục tiêu quan trọng, đồng thời cũng là một nhiệm vụ thiết yếu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, ThS Phạm Hoàng Khánh Linh nhận thấy, hiện nhiều giảng viên chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng số cần thiết, dẫn đến những hạn chế trong việc sử dụng các công cụ và phương pháp giảng dạy hiện đại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy mà còn cản trở sự phát triển toàn diện của học viên/sinh viên trong môi trường học tập số.
Chuyên gia, nhà khoa trao đổi tại hội nghị.
Trao đổi về giải pháp phát triển năng lực số cho giảng viên dựa vào khung năng lực số, ThS Phạm Hoàng Khánh Linh đề xuất 5 giải pháp: Thứ nhất, đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên về kỹ năng số.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học phát triển khung năng lực số dành cho giảng viên phù hợp nhóm ngành đào tạo.
Thứ ba, tích hợp công nghệ vào chương trình đào tạo/bồi dưỡng phát triển chuyên môn.
Thứ tư, tạo cộng đồng học tập số.
Thứ năm, cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại.
Nhận thấy, phát triển năng lực tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho giáo viên mầm non là hoạt động quan trọng để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, học viên Nguyễn Thị Vân – lớp K26, ngành Quản lý giáo dục nhấn mạnh, một trong những định hướng đổi mới giáo dục mầm non là tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.
Do đó, xây dựng khung năng lực tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho giáo viên mầm non là nội dung quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non hiện nay.
Khung năng lực cần đảm bảo tính toàn diện, bao gồm các năng lực cốt lõi như: tri thức chuyên môn về hoạt động giáo dục cần tổ chức; thiết kế hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm; tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm, xây dựng môi trường tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm.
Đây là căn cứ để triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non.
Trong xu thế đổi mới giáo dục, việc xây dựng và phát triển khung năng lực không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để hệ thống giáo dục mầm non tạo nên sự khác biệt tích cực, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Hội nghị khoa học dành cho học viên, nghiên cứu sinh năm 2024 diễn ra thành công tốt đẹp.
Được triển khai từ năm 2019, 6 năm qua Hội nghị khoa học dành cho học viên, nghiên cứu sinh đã trở thành hoạt động thường niên của Học viện. Qua hoạt động đã tạo diễn đàn cho các cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên và học viên cao học, nghiên cứu sinh chia sẻ quan điểm về học thuật và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Minh Phong