Tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành ngân sách linh hoạt, kịp thời

Tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành ngân sách linh hoạt, kịp thời
5 giờ trướcBài gốc
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh
Chiều 17/5, thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật đã có những quy định giúp đổi mới và rút ngắn quy trình phân bổ, quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN); bảo đảm tăng cường kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch thu, chi ngân sách, phù hợp với chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với các mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Tăng tính chủ động cho địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn lực
Khẳng định đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến vấn đề quản lý, phân bổ nguồn lực của cả hệ thống chính trị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến tập trung các vấn đề về phân cấp nguồn thu của ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP); phân bổ và giao dự toán ngân sách; tỷ lệ vay nợ của địa phương…
Cho phép ngân sách các cấp được ứng trước dự toán
Khoản 1 Điều 56 dự thảo Luật quy định cho phép ngân sách các cấp được ứng trước dự toán ngân sách năm sau để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách, nhiệm vụ chi quan trọng về quốc phòng, an ninh đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Mức ứng trước không vượt quá 30% tổng dự toán chi của chương trình, nhiệm vụ, dự án.
Dẫn thực tế có tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp rút tiêu tiền, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc ứng trước dự toán ngân sách năm sau có thể giải quyết được tình trạng này. “Nên tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt trong điều hành. Nếu không điều chỉnh được dự toán thì cần cho phép ứng trước ở quy mô nhỏ, phạm vi nhỏ, để tránh lạm dụng”, đại biểu đề nghị.
Phát biểu tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP đã định hướng đến năm 2030, NSTW là chủ đạo chiếm khoảng 58 - 60% tổng ngân sách, NSĐP là chủ động và chiếm phần còn lại. Điều này nhằm tăng tính chủ động của địa phương trong quản lý và sử dụng nguồn lực.
Với tinh thần đó, việc phân chia tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại dự thảo đang định hướng theo tỷ lệ là 80% - 20% hoặc tỷ lệ 70% - 30%. Những địa phương có nguồn thu tự cân đối được thì được giữ lại 70%, đối với những địa phương khó khăn được giữ lại 80% và thậm chí có những địa phương có thể lên đến 90%, chẳng hạn như những địa phương rất khó khăn, để có thêm nguồn cho các địa phương chủ động.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần có cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa để bảo đảm cân đối. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chia sẻ với Trung ương, bởi nếu không, NSTW không có khả năng để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các dự án lớn cũng như các dự án kết nối vùng trong thời gian tới như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…
Cơ bản đồng tình với việc phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý việc phân cấp, phân quyền cần quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, tiền tệ, những vấn đề cốt lõi thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp…
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý ngân sách, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đại biểu đề xuất, Chính phủ quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương sao cho phù hợp với từng nhóm địa phương.
Để tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển, đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định tại khoản 6 Điều 7 của dự thảo Luật về nâng mức hạn vay nợ của địa phương lên 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp để tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, cần có chính sách, giải pháp đột phá để các địa phương không phải liên tục xin Trung ương hỗ trợ. Đại biểu kiến nghị tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển, chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng tỷ lệ chi cho y tế ngang bằng với tỷ lệ chi cho giáo dục.
Tạo sự linh hoạt cho cơ quan điều hành
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị cân nhắc về quy định nâng mức hạn vay nợ của địa phương lên 120%. Theo đại biểu, thực tế chính sách nâng mức dư nợ vay của NSĐP đã được thực hiện thí điểm tại một số địa phương. Lần này, chính sách thí điểm đã được đưa vào trong Luật, nhằm giúp các địa phương chủ động thực hiện dự án lớn trên địa bàn.
Dù mục tiêu này là hợp lý, song đại biểu cho biết, thực tế ngay tại các địa phương được áp dụng thí điểm chính sách này cũng không sử dụng hết mức được giao, thậm chí chỉ khoảng 20 – 30%.
Mặt khác, nước ta đang triển khai một loạt công trình, dự án lớn, chắc chắn phải đi vay, mà tổng số nợ vay được Quốc hội khống chế ở một mức trần. Nếu tăng trần nợ vay cho địa phương thì trần nợ vay của Trung ương sẽ ít đi, dẫn đến sẽ không có nguồn lực cho các công trình quốc gia, trong khi nguồn lực lại phân tán vào các công trình nhỏ hơn ở cấp địa phương. Từ đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá, tổng kết việc thí điểm chính sách này trước khi đưa vào sửa Luật.
Liên quan điều chỉnh dự toán NSNN, dự thảo Luật dự kiến phân cấp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự toán, hiện thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, việc điều chỉnh ngân sách rất phức tạp, đòi hỏi dự toán phải chính xác, không được sơ sài. Song, thực tế dự toán vẫn còn bất cập nên thường xuyên được đề xuất điều chỉnh, cần phải khắc phục tình trạng này. Mặt khác, dự toán chỉ là dự báo, trong khi bối cảnh đầu năm và cuối năm có sự khác nhau. Do đó, đại biểu đồng tình rằng thực tiễn hiện nay đòi hỏi có sự linh hoạt nhất định cho cơ quan điều hành.
Tuy vậy, để có sự dung hòa, đại biểu đề xuất Thủ tướng điều chỉnh song chỉ ở mức độ, điều kiện nhất định, vượt qua mức đó thì phải Quốc hội điều chỉnh. Điều này sẽ bảo đảm sự linh hoạt, không để tình trạng dù điều chỉnh một đồng cũng phải đưa lên Quốc hội, đại biểu đề nghị.
Về thời gian điều chỉnh dự toán, khoản 3, Điều 52 dự thảo Luật điều chỉnh thời gian điều chỉnh dự toán trước ngày 15/11 năm hiện hành thành 15/12 năm hiện hành. Tán thành sự thay đổi này, song đại biểu lưu ý, cơ quan đề xuất điều chỉnh phải cam kết và chịu trách nhiệm về số dự toán điều chỉnh tăng thêm phải được sử dụng, chứ không phải là điều chỉnh xong lại để đó.
Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều quy trình, thủ tục về công tác ngân sách
Trước đó, chiều 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Theo dự thảo, trong công tác xây dựng dự toán, nhiều thủ tục đã được cắt giảm và đơn giản hóa. Cụ thể như: Quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm, dự kiến thu, chi ngân sách 2 năm tiếp theo; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi…
Đối với quá trình quyết toán NSNN, dự thảo đã đơn giản hóa và giảm thủ tục về quy trình kiểm tra và nội dung, thủ tục xét duyệt quyết toán của cơ quan tài chính và đơn vị dự toán cấp I. Đồng thời, bỏ thủ tục thẩm định quyết toán của cơ quan tài chính cấp trên đối với ngân sách cấp dưới trực tiếp ở địa phương.
Đặc biệt, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung về căn cứ lập dự toán NSNN để đảm bảo bao quát đầy đủ các nguồn thu và sửa đổi, bổ sung làm rõ yêu cầu lập dự toán chi thường xuyên.
Hoàng Yến
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tao-dieu-kien-cho-chinh-phu-dieu-hanh-ngan-sach-linh-hoat-kip-thoi-176700-176700.html