Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Tăng cường ứng dụng số để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, các quy định sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Cụ thể, quy định cho phép sử dụng định danh cá nhân và định danh tổ chức để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống trong đăng ký doanh nghiệp. Qua đó, bãi bỏ 2 nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Về quản trị doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 21 nội dung (sửa đổi 14 nội dung, bổ sung 7 nội dung) liên quan đến: làm rõ, thống nhất các khái niệm, nội hàm quy định tại Luật; sửa đổi một số nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp; sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc "hậu kiểm" nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh việc tích hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2021 - 2025, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 24 nội dung (sửa đổi 14 nội dung, bổ sung 10 nội dung) về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
“Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới về nội dung này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp như đã nêu tại Tờ trình số 259/TTr - CP.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ tác động làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ khi quy định bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nhất là về điều kiện bảo đảm mức độ đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng tính thuyết phục của đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng nêu quan điểm về một số nội dung cụ thể tại dự thảo Luật gồm: các quy định liên quan đến “chủ sở hữu hưởng lợi”; chào bán trái phiếu riêng lẻ (Điều 128 Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 19 Điều 1 dự thảo Luật); sửa đổi, bổ sung một số quy định về gia nhập thị trường của doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước; thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW về tỷ lệ vốn nhà nước chi phối tại doanh nghiệp (Điều 88 Luật Doanh nghiệp)…
Viết đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan tiếp tục bám sát tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 để hoàn thiện dự thảo Luật. Đối với doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu mà tư nhân không tham gia hoặc tham gia không hiệu quả. Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một cách minh bạch, công khai, bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư để tăng cường quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát.
Với doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; coi đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ, thị trường; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành, hoặc xem xét một số dự án luật sửa đổi nhiều lần, đặt ra yêu cầu cao về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; rà soát kỹ các phương án, thiết kế kỹ các quy định hợp lý, không tạo thêm áp lực hoạt động của doanh nghiệp. Thực hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì quy định trong luật, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ thì tách bạch riêng.
Về các quy định liên quan đến “chủ sở hữu hưởng lợi”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, bảo đảm thống nhất về mặt khái niệm với Luật Phòng, chống rửa tiền; làm rõ khái niệm sở hữu gián tiếp vốn điều lệ doanh nghiệp, nhận gián tiếp cổ tức hoặc lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp... viết đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Các điều kiện về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được thắt chặt hơn, kiểm soát rủi ro tốt hơn như: khống chế điều kiện thanh toán, thanh toán nợ tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động… Đồng thời, dự thảo Luật cũng đang đề xuất bổ sung điều kiện tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. Theo quy định tại khoản 19, Điều 1 thì có nợ phải trả bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đề nghị, cần đưa ra cơ sở của quy định điều kiện khống chế chào bán trái phiếu riêng lẻ nêu trên. Bởi, sự ổn định của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng cạnh tranh trên thị trường, rủi ro thị trường, chứ không chỉ dựa trên số nợ phải trả. “Bản chất của trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức đầu tư. Trước khi quyết định đầu tư, người mua trái phiếu cần đánh giá và chịu trách nhiệm rủi ro khi mua trái phiếu riêng lẻ. Mặt khác, quy định cứng hệ số nợ gây thiệt thòi đối với các doanh nghiệp lớn, đầu tư đa ngành, do những doanh nghiệp này thường có vốn điều lệ lớn, số nợ cao hơn doanh nghiệp nhỏ”, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Lê Thị Nga lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cũng đề nghị, bổ sung khoản 4, Điều 16 về căn cước điện tử là một loại giấy tờ pháp lý để tạo thuận lợi tối đa cho các cá nhân, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này.
Cơ bản tán thành với các nội dung tại dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự thảo Luật cơ bản kế thừa những điểm tích cực trong Luật hiện hành; đồng thời, tập trung xử lý các vấn đề cho phù hợp với bối cảnh mới; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu ý kiến tại phiên họp, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện các điều khoản của dự thảo Luật.
Thanh Hải