Chuyến công tác nhằm khẳng định cam kết của Việt Nam đối với các cơ chế GMS, ACMECS và CLMV nói riêng, hợp tác tại khu vực Mê Công nói chung.
-------------------***-------------------
GMS là khuôn khổ hợp tác được thành lập đầu tiên tại Tiểu vùng Mê Công vào năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bao gồm các nước thành viên là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc (với hai tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).
Mục tiêu của GMS là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước GMS; hỗ trợ các nước GMS thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đưa Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á. GMS thực hiện mục tiêu này thông qua tiêu chí 3C là: Tăng cường tính kết nối (Connectivity), Tăng cường tính cạnh tranh (Competitiveness), Tăng cường tính cộng đồng (Community).
Ảnh trái:Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần đầu tiên được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia, tháng 11-2002.Ảnh phải:Chiến lược GMS đã được chuyển thành tiêu chí 3C tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 12, năm 2003. Ảnh: greatermekong.org
Với tầm nhìn “Phát triển một tiểu vùng GMS hội nhập, thịnh vượng, bền vững và toàn diện hơn”, GMS hợp tác dựa trên 3 ba trụ cột, gồm: Cộng đồng, Kết nối và Năng lực cạnh tranh; và tập trung vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp, năng lượng, y tế và nguồn nhân lực, du lịch, công nghệ thông tin truyền thông, giao thông, thương mại, phát triển đô thị.
Trong hơn 30 năm qua, hợp tác GMS không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín. Kể từ ngày đầu thành lập GMS đến nay, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều sáng kiến hợp tác GMS, đóng góp ý kiến xây dựng các kế hoạch, chiến lược trong tiểu vùng....
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 7, tháng 9-2021 tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao GMS lần thứ 6 nhân dịp kỷ niệm 25 năm cơ chế hợp tác GMS được thành lập. Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị với việc thông qua hai tài liệu mang tính định hướng lớn cho GMS là Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 - 2022 và Khung đầu tư khu vực; chính thức khởi động quá trình xây dựng tầm nhìn dài hạn cho GMS sau năm 2022; và lần đầu tiên Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu trong và ngoài khu vực.
Việt Nam đã và đang tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động hợp tác; đóng góp ý kiến xây dựng các kế hoạch, chiến lược trong tiểu vùng; tham gia và triển khai có hiệu quả Chiến lược giao thông vận tải GMS 2030; tiếp nhận 2 dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện Tiểu vùng Mê Công mở rộng” giai đoạn 1 từ năm 2014 đến năm 2019 và giai đoạn 2 từ năm 2019 đến năm 2024. Trong Khung đầu tư khu vực, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam huy động được hơn 100 dự án trị giá khoảng 10,47 tỷ USD (trên tổng số 535 dự án trị giá 133 tỷ USD).
Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN
Ảnh trái:Cuộc họp quan chức cao cấp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) khai mạc ngày 29-3-2018, tại Hà Nội.Ảnh phải:Hợp tác GMS dựa trên tiêu chí 3 C và 3 trụ cột hợp tác: Cộng đồng, Kết nối và Năng lực cạnh tranh. Ảnh: VPG, greatermekong.org
ACMECS được thành lập vào tháng 11-2003 tại Hội nghị Cấp cao Bagan, trước đó có tên là Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế (ECS). Đây là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Hợp tác ACMECS gồm 8 lĩnh vực là thương mại-đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp-năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và môi trường. Nguyên tắc hợp tác ACMECS là tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác.
Ảnh trái:Đoàn các quan chức cấp cao của Việt Nam dự Hội nghị quan chức cấp cao CLMV và Hội nghị SOM ACMECS diễn ra tại Hà Nội, tháng 10-2016.Ảnh phải:Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 8 diễn ra tại Thái Lan. Ảnh: baoquocte.vn - Bộ Ngoại giao Thái Lan
Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất tại Thái Lan vào tháng 11-2004. Với vị trí cửa ngõ phía đông của Tiểu vùng Mê Công, Việt Nam là một nhân tố không thể thiếu của các hành lang kinh tế ở khu vực. Việt Nam đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở. Việt Nam cũng đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa 5 quốc gia.
Việt Nam đã hai lần đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS (tháng 11-2008 và tháng 10-2016). Việt Nam hiện đang tiến hành các thủ tục trong nước để sớm công bố phương án đóng góp tài chính đối với Quỹ Phát triển ACMECS. Qua đó, thúc đẩy việc sớm thành lập Quỹ Phát triển ACMECS, bảo đảm công tác triển khai hiệu quả các dự án trong Kế hoạch tổng thể ACMECS, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và các nền kinh tế ACMECS cũng như sự phát triển bền vững của tiểu vùng
Hội nghị cấp cao hợp tác CLMV lần thứ nhất vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 tại Vientiane (Lào) vào tháng 11-2004. Với Tuyên bố Vientiane về Tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV, Hội nghị khẳng định quyết tâm của các nước CLMV tăng cường hợp tác kinh tế và hội nhập trong các khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công, ASEAN và khu vực; kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.
Việc hình thành hợp tác CLMV là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập Tiểu vùng Mê Công và ASEAN. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, một mặt là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV. Hơn nữa, hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN.
Ngay từ khi tham gia vào hợp tác CLMV, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia vì sự phát triển chung của khu vực. Đặc biệt, năm 2018, trong vai trò Chủ tịch hợp tác CLMV, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 8 với việc Lãnh đạo các nước đã thống nhất giao các Bộ trưởng Kinh tế phối hợp chặt chẽ với Ban thư ký ASEAN và đơn vị tư vấn xây dựng Khung khổ Phát triển CLMV và báo cáo lên Lãnh đạo Cấp cao để phê duyệt. Đây là văn kiện có tính định hướng chiến lược về hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV, lần đầu tiên được xây dựng kể từ khi hình thành cơ chế hợp tác CLMV.
Năm 2024 là kỷ niệm 20 năm thành lập hợp tác CLMV. Hợp tác CLMV đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của bốn nước và Tiểu vùng Mê Công, đặc biệt trong thúc đẩy phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển và xây dựng Cộng đồng ASEAN; góp phần giúp các nền kinh tế CLMV tăng trưởng ở mức cao trong khu vực (dự báo đạt 4,6% trong năm 2024), trao đổi thương mại với thế giới đạt trên 769 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng giá trị trao đổi thương mại của ASEAN với thế giới.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 16 diễn ra tại Vientiane (Lào), tháng 9-2024. Ảnh: asean.org
Có thể thấy rõ, GMS, ACMECS và CLMV là những cơ chế có mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước; hỗ trợ các nước thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG); đưa Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng, trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng; khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. Cho đến nay, hợp tác GMS, ACMECS và CLMV được đánh giá đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, cũng như củng cố quan hệ hữu nghị, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có; xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, bao trùm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, Tiểu vùng Mê Công cần có những bước “đột phá” để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Tại các Hội nghị GMS lần thứ 8, Hội nghị ACMECS lần thứ 10, Hội nghị cấp cao hợp tác CLMV lần thứ 11, bên cạnh các vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới, trong đó nổi bật là đổi mới sáng tạo. “Những lĩnh vực hợp tác mới là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV không chỉ là các cơ chế hạt nhân truyền thống trong hợp tác tiểu vùng; mà còn là những cơ chế tiên phong đưa Tiểu vùng Mê Công lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo qdnd.vn