Tạo đột phá mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình: Bắt đầu từ nêu gương, dám nghĩ, dám làm

Tạo đột phá mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình: Bắt đầu từ nêu gương, dám nghĩ, dám làm
4 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Khi những hạt nhân từ cơ sở phát huy vai trò
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện với những cách làm sáng tạo trong việc học tập Bác. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, học Bác không phải là “đao to, búa lớn”, mà có thể từ những việc nhỏ nhất, khéo léo áp dụng vào cuộc sống, từ đó sẽ đạt được những kết quả tích cực.
Xây dựng miền quê đáng sống
Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Thủ đô đã từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, học tập và làm theo Bác đã góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Điển hình, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác được các tổ chức Đảng vận dụng có hiệu quả với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “nói đi đôi với làm”.
Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) là địa phương ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc học tập làm theo lời Bác để xây dựng miền quê đáng sống.
Thực tiễn cuộc sống và quản trị quốc gia cũng chỉ ra rằng, muốn có cái lớn phải bắt đầu từ những việc nhỏ. Chính vì thế, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố Hà Nội là lấy cơ sở làm “chìa khóa” để tạo ra sức mạnh nội sinh. Trong đó, lấy việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị trên nền tảng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” làm trọng tâm. Chính thực hiện nguyên tắc này, đã tạo nên những cán bộ, đảng viên ở cơ sở tiên phong “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” mà kết quả có thể cảm nhận rõ nhất là những làng quê bình yên, kết cấu hạ tầng phát triển, đời sống, thu nhập đều tăng lên rõ rệt.
Trên những con đường về vùng ngoại thành Hà Nội, thôn Vệ Linh (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) là địa phương ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc học tập làm theo lời Bác để xây dựng miền quê đáng sống. Những tuyến đường quanh thôn xóm sáng - xanh - sạch đẹp - văn minh, người dân đoàn kết, đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no. Để có được điều đó có vai trò rất lớn của Chi bộ thôn Vệ Linh tiên phong trong xây dựng mô hình nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu; góp phần quan trọng để xã Phù Linh là 1 trong 3 địa phương của huyện Sóc Sơn về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (2020 - 2026) đã đi được hơn 80% chặng đường. Nhờ vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; với quan điểm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”; với tinh thần “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng/Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, đến thời điểm này có thể khẳng định, Thành phố sẽ hoàn thành, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVII đề ra. Lần đầu tiên trong lịch sử, thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2024, Hà Nội vượt Thành phố Hồ Chí Minh, vươn lên dẫn đầu cả nước là minh chứng sống động. Đây chính là tiền đề quan trọng để Hà Nội cùng cả nước chuẩn bị tâm thế tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thôn Vệ Linh có số lượng dân số đông, có hơn 130 đảng viên. Trò chuyện với chi ủy mới thấy được sự tâm huyết, nhiệt tình của tổ chức cơ sở đảng. Các bác đa số tuổi đã cao, nhưng việc học tập và làm theo lời Bác gắn với những việc làm cụ thể vẫn luôn bền bỉ, đổi mới từng ngày.
Ông Nguyễn Phú Tòng, Bí thư Chi bộ thôn Vệ Linh cho hay: “Chi bộ thôn thực hiện kế hoạch của Đảng ủy năm 2022 phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, năm 2023 phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Chi bộ đã tổ chức họp, ra nghị quyết phấn đấu đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng là yếu tố tiên quyết, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cái gì được lòng dân, sự vào cuộc của chi bộ, đoàn hội thì việc gì khó cũng vẫn làm được”.
Ông Nguyễn Phú Tòng, Bí thư Chi bộ thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
Sau khi Chi bộ ra Nghị quyết, toàn bộ thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, nhân dân hồ hởi vào cuộc. “Tôi nghĩ cả hệ thống chính trị đã thể hiện hết trách nhiệm và được lòng dân. Đồng thời trong mỗi một công trình, chúng tôi có tổng kết, đánh giá, có khen thưởng. Đó là sự khích lệ với đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân”, ông Tòng nói.
Với phương châm đảng viên đi trước, làng nước theo sau, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị được thể hiện ở chỗ Chi bộ đã phân công chi ủy đảm nhận từng phần việc, phối hợp nhịp nhàng, bài bản. Điển hình như Chi hội phụ nữ đảm nhiệm “Mô hình tuyến đường tự quản nở hoa kiểu mẫu, xóm ngõ kiểu mẫu”; Chi hội nông dân đảm nhiệm “Mô hình tuyến đường đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời; Chi đoàn thanh niên quản lý “Tuyến đường camera an ninh. Cùng với đó, sức người, đóng góp của nhân dân để xây dựng tuyến đường này lên đến hàng trăm triệu đồng. Như vậy, đi trên một tuyến đường hiện đại - văn minh là sự đồng lòng, tổng hòa “tiền hô hậu ủng”, đoàn kết, trách nhiệm của các đoàn, hội, nguồn lực từ nhân dân.
Chia sẻ về điểm nhấn thể hiện sự chung tay đồng lòng của các cán bộ đảng viên trong Chi bộ thôn Vệ Linh, dám đảm nhận nhiệm vụ khó khăn phức tạp, ông Nguyễn Công Huấn, Trưởng thôn Vệ Linh cho hay: “Năm 2022, 2023, Chi bộ thôn Vệ Linh đã vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, 7 hộ dân hiến 200m2 đất, không chỉ vậy nhân dân trong thôn đóng góp trên 2.000 ngày công lao động để chính quyền, ban ngành mở rộng tuyến đường. Từ năm 2014, chúng tôi bắt tay thực hiện chủ trương quy hoạch một phần khu nghĩa trang trên địa bàn thôn, tuy nhiên khối lượng công việc nhiều, cùng với đó ban đầu nhân dân chưa thực sự hiểu, qua tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, đến nay nhân dân đã đồng thuận, sẵn sàng tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí, các hộ dân đã hiến 3.000m2 đất ruộng, nhờ sự đồng thuận đó nay khu nghĩa trang đã được quy hoạch rộng hơn.
Khẳng định đây là những việc mang lại chính lợi ích cho người dân, là làm cho dân, vẻ đẹp cho chính quê hương của mình, chỉ trong hơn 1 tháng Chi bộ thôn Vệ Linh lãnh đạo, triển khai xã hội hóa gắn 900 biển số nhà, 30 biển tên đường, 50 biển tên ngõ với tổng kinh phí 45 triệu đồng do nhân dân đồng lòng, ủng hộ. Ngoài ra, an sinh xã hội địa phương được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân đạt 76 triệu đồng/năm, tăng 10% qua các năm…
Chính nhờ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, Chi bộ thôn Vệ Linh (thuộc Đảng bộ xã Phù Linh) được tôn vinh 1 trong 25 điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 và là điểm sáng rõ nét nhất trong xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn.
… Đến quyết liệt xử lý “điểm nóng”
Từ ngoại thành trở về nội thành, việc học theo lời Bác để giải quyết những việc khó là “kim chỉ nam” trong hoạt động của các cấp ủy Đảng quận Tây Hồ. Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo nghiêm túc việc quán triệt, học tập các chuyên đề theo hướng đổi mới; các cấp ủy từ quận đến cơ sở chú trọng việc cho cán bộ, đảng viên, người lao động đăng ký làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, gần gũi, gắn chặt với mọi người hàng ngày. Nhờ quyết tâm đó đã giúp quận xử lý được “điểm nóng” tàu nổi hoang phế nhiều năm ở hồ Tây.
Nhiều năm trước đây, tàu nổi hoang phế dẫn đến tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường và làm xấu cảnh quan là thực trạng tại khu vực Đầm Bẩy của hồ Tây, đòi hỏi phải di dời triệt để. Tuy nhiên, khi việc di dời các tàu, thuyền cũ ở Đầm Bẩy được tập thể lãnh đạo quận Tây Hồ đưa ra bàn, không ít ý kiến phản đối, cho rằng việc này rất khó vì chưa có tiền lệ, chế tài xử lý không đủ mạnh. Bởi nếu xe đỗ sai quy định trên đường có thể kéo đi, nhưng đây là các tàu hàng nặng trăm tấn, việc di chuyển nguyên trạng là không thể. Ngay cả trong quy định pháp luật cũng chỉ đề cập đến xử lý tàu, thuyền vi phạm khi hoạt động trên sông, chứ chưa đề cập đến việc xử lý tàu, thuyền trên hồ; hoặc có con tàu lại trong diện tranh chấp đang được tòa án thụ lý giải quyết…
Xác định đây là việc phải làm, vừa là yêu cầu của Thành phố, vừa trả lại cảnh quan cho hồ Tây, quận quyết tâm thực hiện dứt điểm thực trạng đã tồn tại nhiều năm. Dưới sự chỉ đạo của Thường trực Quận ủy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ đảm nhận việc khó này. Cùng với việc mời các chủ phương tiện lên làm việc, đơn vị chủ động tham vấn các cơ quan chuyên môn, thậm chí làm việc với các cơ quan tư pháp để sẵn sàng giải quyết theo đúng quy định pháp luật khi các doanh nghiệp khởi kiện.
Quận Tây Hồ biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai đăng ký đảm nhận chỉ đạo giải quyết nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.
Không chỉ trực tiếp tham gia gặp gỡ, vận động doanh nghiệp, Thường trực Quận ủy còn khẳng định sẽ luôn đứng bên cạnh những cán bộ trực tiếp triển khai việc di dời tàu, thuyền. Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt này đã mang lại hiệu quả tích cực, đến nay toàn bộ tàu, thuyền cũ tại đây đã được tháo dỡ, di dời hết, trả lại cảnh quan cho hồ Tây.
Bên cạnh kết quả này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận còn triển khai xây dựng Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận theo hướng phát triển của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”, là kim chỉ nam cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác giá trị của hồ Tây đạt hiệu quả cao, bền vững.
Tại quận Tây Hồ còn nhiều việc khó, thậm chí kéo dài khoảng 20 năm, đến nay đã về đích. Nổi bật là quận thu hồi diện tích đất còn lại không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng dự án mương thoát nước Hà Nội (giai đoạn II) tại phường Bưởi; sau 12 năm tuyên truyền vận động thành công một gia đình đồng ý di chuyển chỗ ở ra khỏi địa chỉ số 18 phố Dốc Tam Ða để Ủy ban nhân dân phường Thụy Khuê thực hiện dự án xây dựng nhà sinh hoạt khu dân cư; xử lý dứt điểm vi phạm tại Quán Sen Ðầm Trị...
Các đồng chí cán bộ chủ chốt đã quyết liệt vào cuộc để cụ thể hóa các nội dung đăng ký, đảm nhận. Như Bí thư Ðảng ủy phường Phú Thượng Phạm Xuân Ðức chỉ đạo hoàn thành dự án xây dựng khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 3; Chủ tịch UBND phường Xuân La Nguyễn Ðình Hà hoàn thành các nội dung như: Tăng cường công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn, không để phát sinh điểm nóng; hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng dự án tây Hồ Tây…
Đó là những việc khó nổi bật quận Tây Hồ đạt được thời gian qua và cũng là kết quả rõ nét từ chủ trương đúng mà Quận ủy đề ra khi đội ngũ cán bộ, đảng viên chủ động đăng ký, đảm nhận việc khó để thực hiện, giải quyết. Việc người đứng đầu đăng ký đảm nhiệm giải quyết việc khó đã tạo được niềm tin trong nhân dân về một thế hệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương để quần chúng bắt chước, làm theo”.
Để nêu gương trở thành việc làm thường xuyên, tự giác, nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu, những năm qua Thành ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn Hà Nội đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm nêu gương gắn với thực hiện các nghị quyết, quy định, chỉ thị về xây dựng chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị các cấp; củng cố niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền.
(Còn nữa…)
Phương Ngân, Nguyễn Hoa, Đinh Luyện
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/tao-dot-pha-moi-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-bat-dau-tu-neu-guong-dam-nghi-dam-lam-181116.html