Tạo đột phá mới đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình: Bài 4: Động lực mới, tạo đột phá mới

Tạo đột phá mới đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình: Bài 4: Động lực mới, tạo đột phá mới
4 giờ trướcBài gốc
Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” hay không là một câu hỏi lớn. Không vươn mình vượt lên sẽ tụt hậu xa hơn với thế giới hiện đại. Và thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt quan trọng là đổi mới tư duy, để nhận thức đúng về thực trạng và bối cảnh phát triển, thúc đẩy đột phá trong đường lối, chính sách qua đó tạo nguồn lực, động lực mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đổi mới sáng tạo là động lực đột phá để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên phát triển mới. Ảnh: Quang Thái
Tạo đột phá từ tư duy thời đại
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Định hướng về một kỷ nguyên mới, thể hiện tầm nhìn, tư duy, quan điểm, phương hướng, định hình chiến lược mới của Đảng ta, người đứng đầu Đảng ta trước những chuyển động mạnh mẽ của thời đại. Đây là bước đổi mới của Đảng, cũng là một cột mốc quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Bước vào kỷ nguyên mới có thể hiểu là chúng ta hướng đến một cuộc kiến tạo mới đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và triệu triệu con Lạc, cháu Hồng.
Và, hành trang của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định là: Phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững, là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bước vào kỷ nguyên mới, một thời kỳ phát triển mới của đất nước ta, của dân tộc ta, chúng ta phải có một tư duy mới từ tầm nhìn mới. Tư duy vươn mình cần đặt trong tầm nhìn thế cuộc với những chuyển động mang thời đại, tác động lâu dài đến các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế có chung nhận định: Không chỉ rung lắc bởi các cuộc xung đột quân sự và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thế giới đang chuyển động dữ dội với những xu hướng phát triển mới trong vô vàn quan hệ phức tạp, đa tầng giữa các quốc gia, khu vực.
Cùng với những cuộc cạnh tranh về “địa chính trị”, “địa quân sự”..., cụm từ “địa công nghệ” hay cuộc đối đầu giữa “địa công nghệ” và “địa chính trị” đã được đề cập nhiều hơn. Theo giới học giả, đây là cuộc cạnh tranh khốc liệt về trí tuệ nhân tạo AI và chủ quyền kinh tế số nhằm định hình cán cân quyền lực trong tương lai.
Tiềm ẩn bên trong cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc chính là sở hữu trí tuệ. Bởi đây là cốt lõi của các cuộc cách mạng công nghệ và kỷ nguyên số mà nhân loại đang hướng tới. Mặt khác, biến đổi khí hậu không còn là những “bóng ma” mà tác động nghiêm trọng, trực tiếp đe dọa toàn bộ thế giới. Do vậy, kinh tế xanh, phát triển xanh đang và sẽ trở thành xu hướng phát triển tất yếu của loài người hướng đến một thế giới bền vững hơn.
Kinh tế số, kinh tế xanh đang là mục tiêu, hối thúc sự phát triển của nhân loại. Nhận thức đúng về thế giới hiện đại, đổi mới mạnh mẽ tư duy hội nhập quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc “định vị” Việt Nam trong một thế giới mở. Từ đó chúng ta định hình chiến lược phát triển đất nước phù hợp với xu thế, ngang tầm thời đại, đồng thời, hạn chế, hóa giải những tác động tiêu cực đến tiến trình vươn mình của dân tộc.
Nói cách khác, bối cảnh quốc tế cũng như mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước đòi hỏi phải đổi mới tư duy về sự đồng bộ giữa đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế, đổi mới xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, thể chế chính trị đóng vai trò định hướng, dẫn hướng, thể chế kinh tế là trung tâm, thể chế xã hội sẽ điều tiết hài hòa xã hội gắn với bảo vệ thiên nhiên môi trường.
Mặt khác, chúng ta cần xác lập vị thế của văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị xã hội bởi “văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần”, là “động lực phát triển”. Đổi mới tư duy về văn hóa chính là để khơi dậy khát vọng vì một đất nước phồn vinh, thịnh vượng, phát huy tối đa sức mạnh con người Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Có thể nhận định, chúng ta cần đổi mới thể chế phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại.
Và, chúng ta cũng không thể không thay đổi tư duy với cuộc chiến chống “giặc nội xâm” - tham nhũng và lãng phí. Với quốc nạn tham nhũng, thành công cũng như những vấn đề đặt ra trong công cuộc “đốt lò” những năm vừa qua cho thấy: Không thể dừng lại ở những hành vi nhận và đưa hối lộ; tham ô, chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản nhà nước, chúng ta cần xác định đây là hành vi tiêu cực do những người có chức vụ quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do vậy, chống tham nhũng phải gắn chặt với chống “suy thoái” và tiêu cực, bởi đây là căn nguyên của tham nhũng. Đồng thời chúng ta cần mở rộng hoạt động này ra khu vực ngoài nhà nước để quét sạch tham nhũng, tiêu cực trong đời sống xã hội.
Mặt khác, khi đã đặt cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí, tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta cần xây dựng một chiến lược tổng thể, từ việc ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biển hiện, hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí… đến xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây thất thoát, lãng phí, đặc biệt với tài sản công. Cùng với đó là xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí như một nét đẹp của người Việt Nam hiện đại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Con người vừa là chủ thể, động lực, vừa là đối tượng phục vụ và cũng là trung tâm của công cuộc đổi mới. Mặt khác, con người là trữ năng lớn nhất, là tiềm lực của quốc gia, dân tộc. Mỗi giai đoạn phát triển mới của đất nước đều cần những con người mới - mới trong tư duy và hành động, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Trong công cuộc đổi mới, đất nước ghi nhận những con người có tư duy vượt trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi còn đương chức, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã giải quyết vấn đề cấp bách của đất nước bằng một quyết định táo bạo: Xây dựng đường dây điện cao áp 500kV dài từ Bắc vào Nam trong 2 năm. Một quyết định mà người đương thời coi là phiêu lưu, mạo hiểm bởi Việt Nam chưa thoát khỏi đói nghèo và những quốc gia giàu có trên thế giới chưa từng làm như vậy. Thế nhưng vị Thủ tướng của Việt Nam đã đánh cược sinh mệnh chính trị của mình, đặt đất nước vào 730 ngày đêm với cuộc cách mạng lớn nhất ngành điện. Từ những việc làm quyết đoán, trên nhiều lĩnh vực, hậu thế vinh danh ông là người “xé rào” mở con đường chưa được vạch sẵn.
Trước những năm đổi mới, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc (như đã đề cập trong bài viết trước) dẫu biết việc làm của mình có thể bị kiểm điểm, kỷ luật nhưng vẫn “xé rào” “khoán hộ” để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp… Những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì sự phát triển là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp đổi mới đất nước ở bất kỳ giai đoạn nào. Thực tế lịch sử đã chứng minh như vậy.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không chỉ gặp ở những cán bộ công chức suy thoái, biến chất, không muốn làm vì không có lợi ích cá nhân, mà còn ở cả những người có năng lực nhưng ngại va chạm, sợ vi phạm pháp luật.
Trong bối cảnh đất nước phát triển nhanh cả bề rộng và chiều sâu, công tác quản lý, điều hành phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân như quy định pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, liên thông, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn. Trong khi nhiều vấn đề mới phát sinh từ thực tế, chưa có tiền lệ, quy định nên dễ xảy ra sai sót, rủi ro hoặc bị lợi dụng trong quá trình thực hiện. Do vậy, “căn bệnh” sợ trách nhiệm, sợ liện lụy diễn ra phổ biến trong cơ quan công quyền, kéo lùi tiến trình phát triển của đất nước.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Như vậy, vấn đề với “căn bệnh” đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không phải là thiếu hành lang pháp lý mà do việc thực thi ở mỗi địa phương, đơn vị. Từ thực tế này, chúng ta cần nâng tầm nhận thức đổi mới tư duy và hành động, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự có tâm, có tầm, năng động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Đổi mới sáng tạo là nguồn lực phát triển, cũng là sức mạnh dân tộc, là động lực đột phá để Việt Nam vươn mình cùng thời đại trong một kỷ nguyên phát triển mới. Những nhân tài nước Việt, những con người tiên phong, giàu năng lực trí tuệ, sẵn sàng đối mặt và vượt qua thách thức sẽ là “đầu kéo” mạnh mẽ đưa dân tộc đến bến bờ phồn vinh, cường thịnh.
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tao-dot-pha-moi-dua-dat-nuoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-bai-4-dong-luc-moi-tao-dot-pha-moi-682925.html