Tạo 'đột phá' trong giải phóng mặt bằng dự án đầu tư công

Tạo 'đột phá' trong giải phóng mặt bằng dự án đầu tư công
3 giờ trướcBài gốc
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 6/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Các đại biểu đều nhất trí rằng, việc sửa đổi luật đã tháo gỡ được những ách tắc, khó khăn hiện nay trong phát triển kinh tế-xã hội. Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện những nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có những đổi với đại biểu Quốc hội bên lề kỳ họp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Không phân cấp, phân quyền xong “buông xuôi”
Trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, Luật Đầu tư công mới đưa vào chương trình và cũng có những ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng thực hiện quy trình thông qua tại 1 kỳ họp, ý kiến khác lại cho rằng cần thời gian là 2 kỳ họp để xem xét thông qua. Trong khi đó, đề xuất của của Ban soạn thảo luật là thực hiện trong quy trình 1 kỳ họp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Trong Luật Đầu tư công hiện tại còn rất nhiều bất cập, cần sửa đổi, bổ sung, cho nên Quốc hội đã dành riêng một buổi để thảo luận ở tổ và một buổi thảo luận ở hội trường về dự án luật này. Thực tế, Luật Đầu tư công liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...
Mặc dù kỳ này cũng sửa lại một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, nhưng Luật Đầu tư công bản chất là “bao trùm” nhiều luật. Do đó, việc sử đổi Luật Đầu tư công là điểm nhấn chính, cốt lõi.
Trong sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân cấp, phân quyền cho các bộ, Chủ tịch UBND các cấp, đặc biệt là phân quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh lại phân quyền cho cấp huyện và cấp xã, đối với những trường hợp dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C.
Từ trước đến nay, đầu tư công được giao cho Trung ương. Theo đó, Trung ương là chủ dự án, chủ đầu tư, nhưng lần sửa đổi này phân cấp cho cấp tỉnh, mà trước đây là phân công cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Dự án luật lần này chủ trương phân công cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chứ không thông qua Hội đồng nhân dân vì việc này có thể gây chậm trễ. Thậm chí chủ đầu tư được phân tới tận cấp xã đảm nhiệm.
Việc phân cấp, phân quyền mạnh như vậy trong Luật Đầu tư công sửa đổi theo tôi là rất cần thiết. Qua đó, giúp cho việc đầu tư công “thuận buồm xuôi gió”, việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án trọng điểm của địa phương được nhanh gọn, tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tôi rất đồng tình với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như vậy, nhưng song song với đó, cấp trên cũng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, với cấp dưới để tổ chức thực hiện, chứ không phân cấp, phân quyền xong “buông xuôi”. Điều này là rất nguy hiểm, ví dụ cấp dưới có thể làm không đúng, sai quy định dẫn đến phải xử lý về về hành chính hoặc xử lý hình sự.
Tôi nghĩ rằng trong phân cấp, phân quyền bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong dự thảo luật đã quy định rõ.
Trong đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo luật cũ, nhà nước chỉ đầu tư không quá 50% tổng vốn đầu tư. Nhưng trong dự thảo sửa đổi luật lần này đối với những công trình, những dự án có nhiều giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân ở mức cao, nhà nước có thể đầu tư tới 70% tổng số vốn. Đây là một điểm đáng chú ý về việc bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư.
Nhà đầu tư bỏ vốn 30% sẽ được hưởng lợi nhuận 30%, nếu bỏ vốn cao hơn sẽ được hưởng cao hơn. Điều này được thực hiện rất rõ ràng, phân chia cụ thể, minh bạch. Bên cạnh đó, nếu dự án thua lỗ, nhà nước cũng sẽ bù vào giúp nhà đầu tư không bị thiệt thòi nhiều.
Tất nhiên việc bù lỗ này của nhà nước phải công khai, minh bạch, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, trong đảm bảo quyền lợi giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước có sự hài hòa.
*Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Góp phần gỡ vướng giải phóng mặt bằng
Một điểm “đột phá” quan trọng trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) là cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (Luật Đầu tư công hiện hành chỉ cho phép tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A).
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: BNEWS/TTXVN
Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án... Từ thực tiễn Tp. Hồ Chí Minh có thể thấy, quy định này chính là một bước nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác điều hành, xử lý các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án của địa phương.
Cùng đó, một vướng mắc lâu nay về bố trí vốn cho các dự án đầu tư, sửa chữa, xây dựng nhỏ… không đúng vào “điểm rơi” bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Tới đây sẽ được tháo gỡ nhờ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật về tài chính, ngân sách; trong đó, có Luật Ngân sách nhà nước. Khi chi những khoản này theo pháp luật về đầu tư công, dự án phải thực hiện theo quy trình khá phức tạp, mặc dù giá trị không lớn.
Nếu dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì không được chi, nếu chi là vi phạm. Tới đây, Luật Ngân sách nhà nước được đề nghị sửa đổi theo hướng quy định rõ các nhiệm vụ được bố trí từ nguồn chi đầu tư, chi thường xuyên và các khoản chi như trên được phép bố trí từ nguồn chi thường xuyên, giúp tạo thêm thuận lợi cho các dự án.
Thúy Hiền – Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/tao-dot-pha-trong-giai-phong-mat-bang-du-an-dau-tu-cong/352530.html