Vườn cà phê dây của ông Nguyễn Quốc Tráng, xã Thuận An (bên phải ảnh) cho năng suất khoảng 5 tấn nhân/ha.
Cà phê dây là giống cà phê bản địa, đặc sản của người dân một số xã như Thuận An, Đắk Mil… Hiện nay, giống cà phê này đã đươc người dân, một số hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện các liên kết mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Quốc Tráng, xã Thuận An cho biết, từ giống cũ, sau khi gia đình tái canh bằng giống cà phê dây, giống bản địa đã được ngành Nông nghiệp tỉnh công nhận thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẵn. Trong đó, có thể nhận thấy những ưu việt của giống cà phê này như cây ít bị các loại sâu bệnh như rỉ sắt, nấm hồng, thán thư, ra hoa đậu quả hàng loạt.
Vườn cà phê dây của ông có thể cho năng suất khoảng 4 - 5 tấn nhân/ha, năng suất cao hơn khoảng 0,5 - 1 tấn/ha nên hiệu quả kinh tế ổn hơn. Gia đình ông đã tái canh 5 trong số 7 ha cà phê.
Theo ông Phan Bá Tịnh - Chủ tịch UBND xã Thuận An, hiện nay, xã đã có trên 500 ha cà phê canh tác đạt các chứng nhận, nằm trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, hầu hết được bà con trồng bằng giống cà phê dây bản địa, đặc sản, với nhiều ưu điểm vượt trội cả về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu phát triển cà phê đặc sản tại xã Thuận An, với tổng diện tích đến năm 2025 là 670 ha.
Theo ông Tịnh, giống cà phê đặc sản được người dân địa phương đẩy mạnh sản xuất, đem lại hiệu quả cao, cho năng suất bình quân 3 - 4 tấn/ha tăng gần gấp đôi so với trước đây. Cá biệt, có một số vườn cà phê sau khi tái canh, ghép cải tạo năng suất đạt 4,5 - 5 tấn/ha
Tương tự, cà phê chè (Arabica) là loại cây trồng thế mạnh của người dân phường Xuân Trường - Đà Lạt, phường Lang Biang - Đà Lạt đang được ngành chức năng, các địa phương tỉnh Lâm Đồng nhân rộng.
Những năm qua, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tái canh cà phê, sử dụng giống cà phê chất lượng cao, như: TR4, TR9, TRS1, THA1, cà phê dây, cà phê chè đem lại năng suất cao, chất lượng sản phẩm ngày càng cao...
Các địa phương tiếp tục vận động, khuyến khích thành lập thêm nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao như 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, Faiftrade, hữu cơ… để tạo ra sản phẩm cà phê sạch chất lượng cao ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, những năm qua, công tác giống đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về tái cơ cấu theo chuỗi liên kết giá trị, nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, ngành chức năng, các địa phương siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo đảm giống cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc, xuất xứ, đạt chất lượng.
Tỉnh tiếp tục triển khai việc nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các giống đạt tiêu chuẩn gắn với khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, nghiên cứu, sản xuất cây, con giống đạt tiêu chuẩn, giống đặc sản, trong đó có cà phê.
Việc xây dựng các vùng trồng phù hợp với các giống cà phê cụ thể được tính đến. Mục tiêu của tỉnh là tạo sự đồng đều từ giống, quy trình chăm sóc, sản phẩm với mẫu mã, chất lượng.
Làm được điều này, Lâm Đồng sẽ tạo thuận lợi hơn tỉnh cho quá trình xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, thu hút đầu tư ở khâu bao tiêu, chế biến sâu.
Hồng Thoan