Khủng hoảng nguồn cung
Thị trường bất động sản (BĐS) đã có sự phục hồi tích cực sau thời gian dài khủng hoảng, nhưng theo đánh giá vẫn chưa có sự vững ổn định, vững chắc do sự chênh lệch lớn về phân khúc sản phẩm. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, sự tăng trưởng đều tập trung ở phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tới 70% nguồn cung mới; và theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng trong giai đoạn từ 2020 – 2024 có tới trên 70 triệu mét vuông sàn nhà ở trung – cao cấp đang dư thừa.
Trong khi đó, nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền (dưới 25 triệu đồng/m2) và nhà ở xã hội (NƠXH) lại đang thiếu hụt trầm trọng. Cụ thể, trong năm 2024 phân khúc nhà ở bình dân và đất nền chỉ chiếm khoảng 28% tổng nguồn cung mới; còn NƠXH thì cả giai đoạn 2021 – 2024 mới chỉ hoàn thành được trên 57.600 căn, đạt 13,5% kế hoạch, đồng thời mục tiêu hoàn thành 130.000 căn NƠXH trong năm 2024 cũng không đạt được.
Thị trường BĐS vẫn trong tình trạng khủng hoảng nguồn cung.
Gói tài chính 120.000 tỷ đồng cho NƠXH cũng chỉ giải ngân được gần 1.800 tỷ đồng, chưa đầy 1%. Trong khi đó, giá nhà ở trên thị trường liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, bình quân năm trước cao hơn năm sau từ 15 – 20%, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân, những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị ngày càng khó tạo lập nhà ở.
Cần xây dựng hệ sinh thái bền vững
Theo chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Trần Tuấn Anh, trước thực trạng thị trường BĐS bị khủng hoảng nguồn cung phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đòi hỏi phải có sự “đột phá” trong công tác quản lý, quan trọng nhất là đổi mới mô hình tài chính và đầu tư. Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng quỹ đất, ưu đãi thuế hoặc tín dụng ưu đãi để giảm chi phí đầu vào; phát triển các gói tín dụng phù hợp với thu nhập của người dân, như mô hình thuê mua NƠXH;
Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách và quy hoạch hợp lý, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp quỹ đất giá rẻ, chính phủ có thể cung cấp hoặc đấu giá đất với giá ưu đãi cho các dự án nhà ở thu nhập thấp; cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian xin cấp phép xây dựng, cấp phép đầu tư để giảm chi phí gián tiếp; đẩy mạnh kế hoạch phát triển các đô thị vệ tinh, để có thể tận dụng đất đai giá rẻ ở khu vực ngoại thành nhưng có giao thông kết nối tốt để phát triển nhà ở giá rẻ.
Cần có giải pháp đột phá trong công tác phát triển nhà ở vừa túi tiền.
“Doanh nghiệp phát triển nhà ở cũng cần phải tối ưu hóa công tác quản lý, vận hành để kiểm soát được chi phí xây dựng và vật liệu xây dựng. Ngoài việc sử dụng công nghệ xây dựng tiên tiến, nên tập trung xây dựng các dự án nhà ở theo mô hình khu đô thị hoặc cụm dân cư quy hoạch bài bản để tối ưu hạ tầng và chia sẻ chi phí. Tóm lại, muốn tạo đột phá, cần kết hợp nhiều giải pháp từ chính sách, tài chính, công nghệ đến mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt, cần có sự tham gia của cả chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để xây dựng một hệ sinh thái nhà ở bền vững, hiệu quả” – KTS Trần Tuấn Anh nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu dự báo thị trường BĐS năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, là năm “bản lề” để chuyển sang “kỷ nguyên mới”. Nhưng để thị trường thực sự phát triển an toàn, lành mạnh cần tập trung giải pháp trọng tâm:
Các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Ban chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác của UBND một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quyết liệt tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để tái khởi động lại hàng trăm dự án BĐS, nhà ở thương mại, NƠXH đang bị dừng triển khai là các dự án cũ, có sẵn để có thể tăng ngay nguồn cung nhà ở cung ứng cho thị trường nhanh nhất và khắc phục tình trạng “lãng phí” nguồn lực đất đai, nguồn lực xã hội, không để tiếp tục xảy ra tình trạng “thất thu” ngân sách Nhà nước và góp phần chỉnh trang đô thị khang trang, đáng sống để người dân được hưởng lợi.
Các địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là “thực thi pháp luật”, đặc biệt là các luật và văn bản dưới luật vừa được Quốc hội, Chính phủ ban hành và quyết liệt tập trung cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục để sớm phê duyệt các dự án BĐS, nhà ở thương mại, NƠXH mới để tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường để góp phần kéo giảm giá nhà.
“Để xoay chuyển cục diện và cấu trúc lại thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đề nghị cần thực hiện “2 đột phá” là “đột phá” về phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và nhất là “đột phá” về phát triển NƠXH để bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp. Doanh nghiệp BĐS phải nỗ lực tái cấu trúc, xử lý hiệu quả nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, chuyển hướng đầu tư nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và tham gia chương trình phát triển NƠXH do Chính phủ phát động” - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đề xuất.
Doãn Thành