Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 7-11. Ảnh: quochoi.vn
Vẫn tồn tại tâm lý điện là mặt hàng độc quyền
Quan tâm đến việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, chính sách này chưa thực sự đi vào cuộc sống; vẫn còn tồn tại tâm lý điện là mặt hàng độc quyền.
Vì vậy, trong lần sửa đổi này, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh thực sự; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn
Liên quan đến việc thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện (Điều 77), đại biểu cho biết, trong khoản 1 quy định việc thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt. Cụ thể, tiền điện được thanh toán theo phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả.
Theo đại biểu Đoàn Hải Dương, quy định này giúp ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong việc thanh toán tiền điện là phù hợp, bảo đảm lợi ích của bên cung cấp điện. Tuy nhiên, với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt thì việc quên thanh toán tiền điện, tiền nước dẫn đến trả chậm một vài ngày là điều dễ xảy ra.
“Vì vậy, tính lãi ngay sau khi chậm trả tiền điện không thực sự phù hợp. Theo tôi, cần có quy định chậm trả trong thời gian bao lâu thì mới bắt đầu tính lãi, nên ít nhất là 1 tháng. Đồng thời, không tính lãi đối với các hộ chậm thanh toán tiền điện là hộ khó khăn, người già neo đơn để bảo đảm tính nhân văn của quy định”, đại biểu nêu quan điểm.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 7-11. Ảnh: quochoi.vn
Trong khoản 5 của Điều 77 quy định, hóa đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng. Hình thức thông báo thanh toán tiền điện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Theo đại biểu Việt Nga, trên thực tế xảy ra trường hợp bên cung cấp điện thay đổi chu kỳ ghi chỉ số đo điện dẫn đến tình trạng trong thời gian thay đổi chu kỳ, chỉ số sử dụng điện cao hơn chu kỳ thông thường do thời gian chốt chỉ số lần trước và lần sau dài hơn; đồng nghĩa với việc hệ số điện tính giá ở mức cao nhiều hơn và gây thiệt hại, bức xúc cho khách hàng.
“Vì thế, tôi đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của bên cung cấp điện trong việc thay đổi chu kỳ ghi chỉ số đo điện nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng điện” - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) quan tâm đến khoản 4 của Điều 77. Trong đó quy định bên mua điện không trả tiền điện theo quy định và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện.
Theo đại biểu, việc thông báo ở đây không quy định hình thức nào, văn bản, gọi điện hay nhắn tin… Vì thế, ban soạn thảo cần quy định rõ là thông báo bằng văn bản 2 lần thì bên bán mới có quyền ngừng cấp điện.
Nhà nước nên độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, cao áp và siêu cao áp
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) quan tâm đến khoản 1, Điều 25 về sử dụng đất cho các dự án điện lực. Trong đó quy định UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm bố trí quỹ đất để triển khai các dự án. Việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo quy định của Luật Đất đai. UBND các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án tổ chức thực hiện công tác bồi thường, di dân, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai.
Tuy nhiên theo quy định của Luật Đất đai, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng bao gồm nhà máy điện, công trình phụ trợ, hồ và kè chứa nước cùng nhiều quy định khác. Từ những bất cập trên, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo sửa đổi điểm c, d của khoản 1 Điều 25: “UBND cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo quy định của Luật Đất đai. UBND cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án tổ chức thực hiện công tác bồi thường, di dân, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai”.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) quan tâm đến vấn đề độc quyền của ngành điện. Tại điểm c, khoản 2 điều 5 của Dự thảo Luật quy định “Nhà nước đặc biệt vận hành lưới điện truyền tải trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng".
Theo đại biểu, hiện nay khoảng 95% lưới điện quốc gia do Nhà nước đầu tư thì khó có thể thực hiện xã hội hóa như dự thảo Luật mong muốn. Vì vậy, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c, khoản 2, Điều 5 của dự thảo Luật theo hướng: Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, cao áp và siêu cao áp.
Bên cạnh đó, đại biểu nêu thực trạng hiện nay đang thiếu điện nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đều đều cắt giảm sản lượng điện của các dự án điện mặt trời, điện áp mái quy mô nhỏ khiến nhà đầu tư khó khăn. Trong khi EVN tăng giá điện là chưa đúng với chủ trương chung.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu đề nghị Trung ương chỉ duyệt quy hoạch các công trình điện, còn việc thẩm định, phê duyệt dự án giao cho địa phương thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành điện. "Có như vậy đúng với chỉ đạo của Tổng Bí thư về đột phá thể chế, giảm thủ tục hành chính" - đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề xuất.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phát biểu. Ảnh:quochoi.vn
Thống nhất cao về dự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực cũng như hoàn thiện các nội dung về thể chế, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng có 2 vấn đề cần giải quyết. Năm 2023 đã có giám sát chuyên đề của Quốc hội về chính sách phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 và chỉ ra nhiều điểm nghẽn.
"Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, nếu chúng ta không chuẩn bị trước một bước thì an ninh năng lượng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, tôi cho rằng rất cần thiết, cấp bách khi sửa Luật Điện lực cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện lực" - đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ.
Đồng ý sửa toàn diện các nội dung của Luật, đại biểu cũng đề xuất thông qua Luật ở 2 kỳ họp thay cho quy trình 1 kỳ họp như đề xuất của Chính phủ, bởi để sửa toàn diện các nội dung của Luật với những vấn đề quan trọng thì thông qua ở 1 kỳ họp không bảo đảm.
Đình Hiệp