Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển đường sắt đô thị Thủ đô

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển đường sắt đô thị Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu tại buổi tọa đàm nhấn mạnh Luật Đất đai 2024 và Luật Thủ đô 2024 sẽ giúp Hà Nội phát triển bền vững. Ảnh: Tuấn Lương.
Mô hình quy hoạch đô thị tiên tiến
Chiều nay, tại Hà Nội, (11-10), Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Tầm nhìn mới về phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD): Đột phá từ Luật Đất đai 2024 và Luật Thủ đô 2024”.
Phối cảnh một tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội được nghiên cứu thí điểm triển khai theo mô hình TOD. Ảnh: MRB.
Theo Trưởng ban MRB Nguyễn Cao Minh, TOD không chỉ là một giải pháp quy hoạch hiện đại, mà là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển đô thị năng động, bền vững. TOD đã chứng tỏ được hiệu quả trên toàn cầu, là cầu nối vững chắc giữa hệ thống giao thông công cộng với các khu đô thị, mang lại giá trị vượt trội về kinh tế, văn hóa và môi trường sống. Đây là một mô hình quy hoạch đô thị tiên tiến, tận dụng tối đa hệ thống giao thông công cộng hiện tại và tương lai cùng lượng người sử dụng lớn.
Hà Nội, với vai trò là Thủ đô và trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, đang đứng trước một cơ hội lịch sử để triển khai TOD trong chiến lược phát triển đô thị dài hạn. Chúng ta có thể học hỏi từ những thành công trong áp dụng TOD của các nước. Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng.
Chính sách TOD còn là chìa khóa để khai thác tiềm năng kinh tế tiềm ẩn, gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và tái tạo các khu vực trọng điểm trong thành phố thông qua việc tăng cường sử dụng đất và hoạt động đô thị có kế hoạch, đồng thời nâng cấp hạ tầng công cộng. Điều này không chỉ giúp thành phố tận dụng hiệu quả các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông công cộng như đường sắt đô thị và hệ thống vận chuyển nhanh khu vực, mà còn cải thiện nguồn cung nhà ở hiện có, đồng thời phát triển thêm nhà ở mới cùng các trung tâm kinh tế quanh các nút giao thông chiến lược. Qua đó, mở ra cơ hội khai thác giá trị đất đai một cách tối ưu, giúp kích thích tăng trưởng bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường và hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Nhiều trông đợi từ Luật Đất đai và Luật Thủ đô
“Luật Đất đai 2024 và Luật Thủ đô 2024, với những cải cách mang tính đột phá, sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, giúp Hà Nội dẫn đầu trong phát triển các dự án đô thị theo định hướng giao thông. Những thay đổi này sẽ giúp kết nối tốt hơn giữa các khu vực, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, xây dựng một đô thị xanh, thông minh và bền vững, hướng tới mục tiêu Hà Nội trở thành một đô thị thịnh vượng, hội nhập và có bản sắc riêng” - ông Nguyễn Cao Minh nói.
Hà Nội cần những cải cách đột phá để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Trung Dũng.
Luật Thủ đô 2024 dành riêng Điều 31 quy định về cơ chế và công cụ phát triển dự án TOD tại Hà Nội, bao gồm các nội dung: Định nghĩa về khu vực TOD; Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD; Đầu tư phát triển đường sắt đô thị áp dụng mô hình TOD;
Một số cơ chế thu phí LVC (giá trị thặng dư từ đất) trong khu vực TOD; Quản lý, vận hành và khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD.
Trong đó, Điều 31 định nghĩa: Phát triển đô thị theo định hướng TOD là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị... làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng. Cùng với đó, Luật Thủ đô cho phép UBND thành phố Hà Nội quyết định các cơ chế, công cụ về quy hoạch, đầu tư và LVC.
Về những giá trị, cơ chế đặc thù mà Luật Thủ đô 2024 mang lại, Luật sư Lê Nết (Công ty Luật LNT & Partners) chỉ rõ, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và các quy phạm pháp luật khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô. Điều này có ý nghĩa là các cơ quan liên quan không còn phải lo lắng về việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật và chỉ tập trung vào nghiên cứu thực hiện Luật Thủ đô.
Nếu văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì không những Luật Thủ đô được ưu tiên hơn các luật khác (về cùng một vấn đề), mà Nghị quyết HĐND thành phố, Nghị định Chính phủ để thi hành Luật Thủ đô cũng ưu tiên áp dụng hơn so với các nghị định, thông tư hướng dẫn các luật, nghị quyết khác.
“Điều 31 Luật Thủ đô đem đến nhiều thuận lợi để thực hiện các dự án đường sắt đô thị áp dụng mô hình TOD bởi cơ sở pháp lý rõ ràng hơn, không bị chồng chéo; quy hoạch bài bản, có tầm nhìn xa, có tính khả thi. Đặc biệt, HĐND thành phố được quyết định thay vì Bộ, ngành, Chính phủ hay thậm chí Quốc hội. Cùng với đó, việc điều chỉnh quy hoạch, dự án cũng được tiến hành ngay ở cấp UBND thành phố” - Luật sư Lê Nết nhấn mạnh.
Một số ý kiến cho rằng, cùng với Luật Thủ đô 2024, Luật Đất đai 2024 với những ưu đãi đầu tư cụ thể như miễn, giảm tiền sử dụng đất phục vụ hậu cần, hạ tầng cho các dự án đường sắt đô thị; cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đồng bộ các dự án có phạm vi đất xung quanh, dọc tuyến đường sắt đô thị, nhà ga để nhà nước quản lý, đấu thầu, đấu giá, phát triển hạ tầng khu đất này để thu lại một phần nguồn tiền, từ đó đầu tư cho tuyến giao thông đô thị tiếp theo… được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực mới, mạnh mẽ hơn hẳn để Thủ đô hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng có 600km đường sắt đô thị trong tương lai.
Tuấn Lương
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-thuan-loi-de-phat-trien-duong-sat-do-thi-thu-do-681148.html