Phụ nữ ở vùng Marsabit của Kenya đang chờ lấy nước. Ảnh: Fredrik Lerneryd/Oxfam.
Từ khi được gả chồng ở tuổi 15, 19 năm nay Dukano Kelle ở Kambinye, miền bắc Kenya thường phải chịu cái nóng ngột ngạt, đi bộ nhiều giờ với chiếc bụng đói để tìm đến chiếc giếng khoan gần nhất với hy vọng lấy được nước. Công việc của cô giống như hàng ngàn phụ nữ khác ở nơi hạn hán gây thiệt hại lớn cho cuộc sống.
Tác động khắc nghiệt của hạn hán khiến những gia đình tuyệt vọng cảm thấy buộc phải gả chồng cho con để đổi lấy một con lạc đà và một vài con dê - một thỏa thuận có thể cung cấp thức ăn cho gia đình cô gái thêm vài tháng nữa.
Khi mặt trời lên đến đỉnh điểm, Dukano rời khu định cư hoang vắng và giục con lừa miễn cưỡng của gia đình cô tiến về phía trước bằng cách quất nó bằng một nhánh cây keo.
Mặc dù cái nóng ngột ngạt làm cạn kiệt năng lượng và chưa ăn gì từ sáng hôm trước, Dukano, một bà mẹ 34 tuổi của 5 đứa con, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi bộ trong nhiều giờ đến giếng khoan gần nhất, một hành trình có thể sẽ kết thúc trong thất vọng vì mực nước xuống thấp nghiêm trọng.
Trong hành trình trên những con đường gập ghềnh, khó đi qua qua sa mạc ở phía bắc thủ phủ khu vực, Marsabit, gần biên giới Kenya với Ethiopia, những câu chuyện như của Dukano rất quen thuộc.
Nhiều cô gái bị ép kết hôn khi họ vẫn còn là trẻ em và sớm phải gánh vác gánh nặng nuôi con của chính mình.
Những người phụ nữ dắt lừa chở can nhựa đến lấy nước ở Kambinye, Kenya. Ảnh: Fredrik Lerneryd/Oxfam.
Nghèo xơ xác vì hạn hán
Gần 2 giờ sau khi rời làng, Dukano cuối cùng cũng đến được cái giếng mà người dân địa phương phụ thuộc rất nhiều. Con lừa được chất 6 can nhựa buộc chặt bằng dây thừng trên lưng. Tại đây, những phụ nữ khác ngồi dưới bóng râm của một cây keo duy nhất, chờ đến lượt mình.
Trong số những người lấy nước, không có ai là nam giới. Họ ở nhà và được thoát khỏi nhiệm vụ nặng nề nhất trong ngày.
Nhìn xuống bể bê tông sâu 3 mét chứa nước, người ta có thể thấy nước chỉ cao khoảng 10 cm. Nước này được chở bằng xe tải bằng khoản vay mà dân làng giải thích là được trả bằng cách đổi lấy dê - loại tiền tệ duy nhất mà họ có.
Một người phụ nữ giải thích số nước còn lại có lẽ chỉ đủ dùng cho tuần tiếp theo. Khi nước đầy, những chiếc can được buộc lại trên lưng lừa của cô trong suốt hành trình dài trở về nhà.
“Trận hạn hán gần đây nhất đã cướp đi tất cả đàn gia súc của chúng tôi”, Dukano nói. “Con trai út của tôi cũng bị ốm nặng vì suy dinh dưỡng. Nó yếu và nôn mửa liên tục, tóc bắt đầu rụng. Tôi rất lo nó sẽ chết. Nó khiến chúng tôi nghèo đi nhiều, và giờ chúng tôi lại rơi vào một trận hạn hán khác có vẻ còn tệ hơn nữa” – cô chia sẻ.
Với 3 bé trai và 2 bé gái trong độ tuổi từ 9 tháng đến 14 tuổi cần phải giữ mạng sống, Dukano phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề nhưng cô nhận được rất ít sự hỗ trợ. Không có phương tiện di chuyển, cô phải mất vài ngày để đến được Marsabit.
Dukano Kelle đang gom can nhựa để lấy nước ở Kambinye, Kenya. Ảnh: Fredrik Lerneryd/Oxfam.
Không có khả năng tự vệ
Ngoài tỷ lệ tảo hôn ngày càng tăng, tổ chức từ thiện địa phương có tên Quản lý Tài nguyên Bản địa (IREMO) tin rằng biến đổi khí hậu có thể đã góp phần làm tăng các vụ hiếp dâm và tấn công tình dục mà họ ghi nhận ở Quận Marsabit.
Khi thảm thực vật trở nên thưa thớt hơn, những người chăn gia súc nữ buộc phải đưa đàn gia súc của họ đến những địa điểm xa xôi hơn để gặm cỏ, khiến họ dễ bị đàn ông truy lùng hơn.
Tại ngôi làng đổ nát Bubisa, Wato Gato, hơn 20 tuổi, kể lại rằng cô đã bị bỏ lại một mình giữa vùng đất khắc nghiệt để chăm sóc đàn gia súc khi mới 15 tuổi. Gia đình đã hướng dẫn cô tìm đồng cỏ cho đàn dê quý giá của họ - nguồn thu nhập duy nhất của họ trong thời kỳ hạn hán - và ở lại đó đến khi mưa đến.
Do phải đưa đàn gia súc đi xa vì hạn hán quá tệ, cô đã gặp kẻ xấu tấn công tình dục, tiếng hét của cô không ai nghe thấy và cô hoàn toàn mất khả năng tự vệ.
Phải mất nhiều tháng trước khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, lúc đó Wato mới biết mình đã mang thai. Khi tìm đến chỗ anh chị em của mình với hy vọng được giúp đỡ nhưng cô bị xa lánh. Anh trai cô thông báo cô phải rời đi vì đã làm xấu hổ gia đình.
Ngày nay, cô sống cạnh con đường chính đến biên giới Ethiopia, cố gắng kiếm đủ tiền để nuôi 2 đứa con bằng cách bán thẻ điện thoại và sữa lạc đà cho lái xe ngang qua.
Một đống xương của nhiều loài động vật chết trong thời gian hạn hán đã gom thành đống ở Maikona, Kenya. Ảnh: Fredrik Lerneryd/Oxfam.
‘Đó không phải là sự lựa chọn’
Bà Elise Nalbandian là cố vấn vận động tại Oxfam ở châu Phi, hợp tác với các đối tác địa phương tại khu vực Marsabit như IREMO để giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán bằng cách cung cấp dinh dưỡng và vệ sinh khẩn cấp.
Bà cho biết, là những người chăm sóc và cung cấp dịch vụ chính, phụ nữ và trẻ em gái ở một trong những vùng khô hạn nhất của Kenya đang phải đối mặt với tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Điều này làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới hiện có và đe dọa thu nhập, sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ, bà Nalbandian giải thích.
“Phụ nữ và trẻ em gái phải đi xa hơn để lấy nước và nhiên liệu – và thường là những người cuối cùng được ăn. Nhiều người buộc phải làm những công việc không ổn định hoặc di cư, khiến họ có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới.” – bà cho biết.
Mặc dù phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều phải gánh chịu gánh nặng của khí hậu ngày càng xấu đi và thiếu tiền bạc cũng như thức ăn, nhưng những cô gái trẻ thường là những người ít được bảo vệ nhất và có nguy cơ bị đe dọa cao nhất.
Dưới ánh nắng gay gắt, một số gò đống trở nên lấp lánh như đá. Tuy nhiên, chỉ khi nhìn gần người ta mới thấy rõ đây là những gò xương động vật. Mỗi hộp sọ là một con lạc đà, bò hoặc dê mà những người chăn gia súc du mục từng lang thang trên đồng bằng phụ thuộc vào.
Theo Al Jazeera
Hải Yến