Tạo 'kháng thể' để không bị mạng xã hội 'thao túng'

Tạo 'kháng thể' để không bị mạng xã hội 'thao túng'
3 ngày trướcBài gốc
Mới đây, khi Quốc hội thảo luận ở hội trường, đại biểu Bùi Hoài Sơn đã bày tỏ lo ngại trước thực trạng “văn hóa bị xâm lăng” và cho rằng tinh thần, tâm hồn của người Việt Nam đang bị "thao túng" bởi Facebook, YouTube, TikTok… Nội dung phát biểu này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Tính hai mặt của mạng xã hội
Nói về sự độc hại của mạng xã hội, bạn đọc Trần Tam Linh chia sẻ: “Lên mạng giờ toàn clip nhảy nhót với mục đích khoe thân, gợi dục, câu view, câu like, nội dung này chiếm đến 80%. Đó là chưa nói, thỉnh thoảng trên mạng còn có những chiến dịch truyền thông bẩn dắt mũi dư luận theo ý đồ cá nhân, rất nguy hiểm”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Châu viết: “Việt Nam phát triển Internet rất nhanh và mạnh nhưng hệ thống phòng chống an ninh mạng chưa đồng bộ. Nhà nước nên quan tâm nhiều hơn về vấn đề này, nếu không sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến người sử dụng mạng xã hội”.
Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách sử dụng mạng xã hội thì sẽ gặt hái được kết quả tích cực cho bản thân và xã hội. Trao đổi với PV, ông Võ Trần Lâm, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12, TP.HCM) cho biết trong môi trường giáo dục, để đến gần hơn với học sinh và tạo ra các giờ học hạnh phúc, nhiều thầy cô đã sáng kiến ra phương pháp tăng cường gắn kết mối quan hệ giữa thầy và trò thông qua việc vận dụng sáng tạo xu hướng mạng xã hội vào giảng dạy. Từ những trend trên mạng xã hội, thầy cô có thể sáng tạo, chọn lọc, biến đổi để trở nên gần gũi, mang tính giáo dục, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Thầy Võ Trần Lâm, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12) làm thẻ cào để nhắn nhủ, gửi gắm học sinh.
“Trước đây, khi gần đến các kì kiểm tra, mình thường sử dụng thẻ cào để các bạn học sinh đổi quà, nhằm động viên, thúc đẩy các bạn học tập, vượt qua áp lực thi cử. Sau đó mình đã biến tấu, từ việc cào ra những phần quà nhỏ thì bây giờ là những lời động viên, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh để nhắn nhủ các con tiếp tục thay đổi và phát huy. Mình cũng tham khảo sáng kiến này từ một clip trên TikTok” – ông Lâm chia sẻ.
Cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả
Trao đổi với PV, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng tâm hồn của người Việt có thể bị ảnh hưởng nhiều khi tiếp cận nội dung từ các nền tảng mạng xã hội - nếu không có sự sàng lọc hay kiểm soát đúng cách.
“Ví dụ năm 2023, một nghiên cứu của Đại học Stanford cho thấy các thuật toán của mạng xã hội có thể tác động sâu sắc đến hành vi và cảm xúc người dùng. Cụ thể khoảng 65% người dùng tự thừa nhận họ bị ảnh hưởng bởi nội dung mà các nền tảng này “gợi ý” cho mình. Đặc biệt, các nền tảng như TikTok thường xuyên đưa ra nội dung ngắn và gây tò mò, khiến người xem dễ nghiện, mất kiểm soát về thời gian, và ít có xu hướng kiểm tra tính chính xác của thông tin” – TS An thông tin.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An
Theo TS An, ở người Việt, với nền văn hóa coi trọng các giá trị truyền thống, các nội dung trên mạng xã hội đôi khi lại thúc đẩy những xu hướng sống vội, coi trọng vẻ bề ngoài hoặc vật chất hơn là các giá trị tinh thần. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong quan niệm sống, đặc biệt với giới trẻ.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Văn hóa Châu Á (Asian Cultural Council, 2023), khi giới trẻ tiếp nhận văn hóa mới mà không qua phân tích, có tới 72% trong số họ có xu hướng hình thành những thái độ và hành vi xa lạ với văn hóa truyền thống, làm mất đi sự kết nối với các giá trị gia đình và xã hội.
Ngoài ra, mạng xã hội thường tạo ra các “bong bóng” thông tin, nơi người dùng bị “giam giữ” trong những quan điểm và thế giới quan giới hạn, có xu hướng xem những thông tin củng cố niềm tin của họ. Điều này có thể gây hại cho tâm hồn, khi nó bóp méo nhận thức về giá trị thật và tinh thần của người Việt Nam, dễ khiến người dùng lệ thuộc, ảnh hưởng đến các quyết định, thái độ và hành vi của họ trong đời sống hàng ngày.
TS An cũng cho biết tác động của những nội dung xấu trên mạng xã hội ở Việt Nam đang ngày càng trở nên rõ rệt, đặc biệt là đối với tâm lý của thanh thiếu niên. Các nội dung độc hại có thể bao gồm tin giả, tin đồn, ngôn từ kích động thù địch, thông tin sai lệch về sức khỏe, và các trào lưu nguy hiểm. Những nội dung này không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của người dùng mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần.
Để sử dụng mạng xã hội hiệu quả, người dùng cần trang bị các kỹ năng và công cụ giúp họ tận dụng được mặt tích cực của nền tảng mà không bị ảnh hưởng bởi các nội dung tiêu cực.
Đầu tiên, người dùng nên học cách đặt câu hỏi và phân tích khi tiếp cận thông tin, tránh tiếp nhận mọi nội dung một cách thụ động, cần kiểm tra nguồn gốc thông tin từ các trang web uy tín hoặc từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo độ chính xác.
Tiếp theo, người dùng thực hành phương pháp “digital detox”, đây là phương pháp tạm thời ngừng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để giảm bớt căng thẳng, lấy lại sự tập trung. Cụ thể, người dùng có thể chọn những khung giờ hoặc ngày trong tuần để “nghỉ” khỏi mạng xã hội và thay vào đó là tham gia các hoạt động ngoài trời, đọc sách hoặc trò chuyện trực tiếp với người thân, bạn bè.
Đồng thời, người dùng mạng xã hội nên tham gia các khóa học kỹ năng kỹ thuật số. Nhiều tổ chức cung cấp khóa học về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả. Chẳng hạn, các khóa học về “digital literacy” (hiểu biết kỹ thuật số) có thể giúp người dùng học cách xác định nội dung độc hại, phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo và xây dựng các thói quen lành mạnh. Tại Việt Nam, một số trường đại học đã bắt đầu triển khai các chương trình này, giúp người dùng trẻ có khả năng tự bảo vệ mình khi tham gia vào môi trường mạng.
Cách kiểm tra thời lượng sử dụng các ứng dụng MXH trên điện thoại
1. Trên iPhone (iOS)
• Bước 1: Vào Cài đặt.
• Bước 2: Chọn Thời gian sử dụng (Screen Time).
• Bước 3: Tại đây, bạn sẽ thấy tổng thời gian sử dụng thiết bị trong ngày và chi tiết về thời lượng sử dụng của từng ứng dụng.
• Bước 4: Bạn có thể nhấn vào từng ứng dụng để xem thông tin chi tiết hoặc thiết lập giới hạn thời gian cho từng ứng dụng nếu muốn.
2. Trên điện thoại Android
• Bước 1: Vào Cài đặt.
• Bước 2: Chọn Chăm sóc thiết bị & pin hoặc Sức khỏe số (tùy thuộc vào phiên bản Android và dòng điện thoại).
• Bước 3: Chọn Thời gian sử dụng ứng dụng (hoặc Sức khỏe kỹ thuật số).
• Bước 4: Bạn sẽ thấy chi tiết thời gian sử dụng từng ứng dụng trong ngày hoặc tuần. Tương tự, bạn có thể thiết lập giới hạn thời gian nếu cần.
3. Sử dụng ứng dụng của bên thứ ba
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng bên thứ ba như Moment, QualityTime, hoặc StayFree để theo dõi thời lượng sử dụng và nhận thông báo khi bạn vượt quá giới hạn thời gian đã đặt ra.
Các tính năng này sẽ giúp bạn quản lý tốt hơn thói quen sử dụng điện thoại và mạng xã hội của mình.
THẢO HIỀN - TRẦN MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/tao-khang-the-de-khong-bi-mang-xa-hoi-thao-tung-post819322.html