Tạo lập Quốc hội số: Đổi mới, minh bạch và hiệu quả

Tạo lập Quốc hội số: Đổi mới, minh bạch và hiệu quả
một ngày trướcBài gốc
Tầm nhìn và cơ hội phát triển
Việc chuyển từ mô hình Quốc hội truyền thống sang Quốc hội số là một thay đổi lớn nhằm thay đổi phương thức hoạt động, đổi mới quy trình nghiệp vụ dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số, bảo đảm liên thông, liên kết, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan trong hệ thống chính trị; chuyển toàn bộ hoạt động của các cơ quan từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Điều này cho thấy, Quốc hội số không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của Quốc hội mà còn bao hàm một loạt sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, sự minh bạch, tạo kết nối trực tiếp giữa Quốc hội với người dân.
Việt Nam đã đặt mục tiêu CĐS trong các cơ quan nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng trong khuôn khổ chiến lược CĐS quốc gia. Theo đó, Việt Nam có mục tiêu phát triển Quốc hội số vào năm 2025 và hoàn thiện vào năm 2030. Tuy nhiên, tiến độ này sẽ phụ thuộc vào những yếu tố công nghệ, chính sách và sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng. Với vai trò là người đứng đầu cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khởi xướng, đòi hỏi sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và một chiến lược quản lý thay đổi rõ ràng, hiệu quả.
Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó chủ tịch Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ bằng hình thức điện tử. Ảnh: PHẠM THẮNG
Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, Quốc hội nếu không tiến nhanh, tiến kịp theo yêu cầu mới thì sẽ chậm một bước; đồng thời khẳng định sự thành công của Quốc hội số không chỉ nằm ở công nghệ ứng dụng mà còn phụ thuộc vào nhận thức đúng đắn và sự cam kết mạnh mẽ từ các đại biểu, cơ quan nhà nước cũng như toàn xã hội trong việc chuyển đổi sang mô hình này. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tập trung quán triệt, thực hiện phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bởi CĐS là yếu tố then chốt, tất yếu để xây dựng Quốc hội hiện đại, dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả. “Trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành trợ thủ đắc lực giúp Quốc hội xem xét, đưa ra những quyết sách chính xác hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả giám sát và kết nối tốt hơn với cử tri và nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban chỉ đạo CĐS của Quốc hội; ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030 và xây dựng Đề án CĐS của Quốc hội giai đoạn 2025-2030 là minh chứng cho sự quyết tâm cũng như cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy CĐS tại Quốc hội. Nghị quyết 1343 nêu rõ, giai đoạn từ năm 2024 đến 2026, Quốc hội sẽ hoàn thành tái cấu trúc hạ tầng CNTT sang hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, có tính dự phòng cao, đáp ứng tiêu chuẩn; 100% đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức được trang bị chữ ký số.
Đồng thời, 100% hồ sơ tài liệu không mật được số hóa và cập nhật vào cơ sở dữ liệu; hướng tới các tài liệu mật được số hóa, quản lý, sử dụng trên môi trường số; đầu tư xây dựng, thuê hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu CĐS của Quốc hội với năng lực xử lý dữ liệu lớn; hạ tầng truyền thông bảo đảm tốc độ kết nối, ổn định, an toàn; cơ sở dữ liệu người dùng tập trung, hệ thống xác thực điện tử sử dụng chung, thống nhất trên cơ sở kiến trúc Quốc hội số...
Giai đoạn từ năm 2027 đến 2030, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu. Hoàn thành việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu với hệ thống bảo mật thông tin nhiều lớp đáp ứng yêu cầu giám sát liên tục; phát hiện, cảnh báo sớm và phản ứng nhanh với các cuộc tấn công mạng, đủ khả năng chống lại những mối đe dọa mạng với các giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến. Kết nối, báo cáo kịp thời thông tin giám sát an toàn, an ninh mạng về cơ quan chức năng và bảo đảm phát hiện sớm những nguy cơ đe dọa an toàn, an ninh mạng.
Quốc hội số là "kết nối mọi lúc, mọi nơi"
Việc xây dựng Quốc hội số đang được thúc đẩy rốt ráo, với sự quyết tâm cao từ lãnh đạo Quốc hội và những bước đi được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, để xây dựng thành công Quốc hội số, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng việc nhận diện rõ hiện trạng, từ cơ sở hạ tầng công nghệ đến sự chuẩn bị về năng lực và nhận thức của các thành phần tham gia là rất cần thiết. Việc đánh giá chính xác các hiện trạng hiện tại sẽ là yếu tố then chốt giúp định hình những giải pháp hiệu quả, từ đó bảo đảm sự thành công trong quá trình xây dựng Quốc hội số tại Việt Nam.
Có thể thấy, qua nhiều năm đầu tư, đến nay, cơ sở hạ tầng CNTT của Văn phòng Quốc hội đã phần nào phát huy được hiệu quả trong việc phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Việc ứng dụng CNTT đã đi vào nền nếp. Nhiều kho thông tin dữ liệu được xây dựng, thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn. Các hệ thống ứng dụng CNTT được khai thác, sử dụng rộng rãi, hiệu quả như: Hệ thống cơ sở dữ liệu hồ sơ văn bản của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; phần mềm quản lý hồ sơ đại biểu Quốc hội; phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức; hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; trang thông tin đại biểu Quốc hội các khóa; hệ thống quản lý công văn đi đến; cổng thông tin điện tử Quốc hội; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; trang thông tin trung tâm báo chí; trang thông tin bồi dưỡng đại biểu dân cử; trang bầu cử đại biểu Quốc hội; trang thông tin điện tử lấy ý kiến nhân dân; hệ thống thư viện số; ứng dụng cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội trên thiết bị di động...
Bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn thừa nhận hiện trạng ứng dụng CNTT còn những tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng CNTT được đầu tư từ nhiều năm trước đây nên chưa tương xứng với ứng dụng CNTT giai đoạn hiện nay; nhiều thiết bị xuống cấp, lạc hậu và hầu như không có thiết bị dự phòng; ứng dụng CNTT thiếu đồng bộ, đầu tư còn manh mún, chưa có trung tâm dữ liệu hoàn chỉnh, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin; công tác bảo đảm an toàn thông tin còn bất cập.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của các cơ quan chưa đồng bộ, phần nào ảnh hưởng đến các quy trình nghiệp vụ, việc sử dụng chưa sâu rộng... chưa có chiến lược tổng thể về phát triển và ứng dụng CNTT vào các hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Việc đầu tư cho CNTT chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nhân lực về CNTT còn hạn chế về số lượng và chất lượng chưa cao, chưa đủ năng lực tiếp thu các phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) với vai trò là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất tại Việt Nam, với kinh nghiệm dày dạn và sự thành công trong việc triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn đã được lựa chọn để đồng hành với Quốc hội trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng số, hỗ trợ quá trình CĐS của Quốc hội.
Định hình cơ bản về Quốc hội số, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel bày tỏ, Quốc hội số không chỉ thay đổi cách thức làm việc mà còn tạo ra một nền tảng kết nối thông suốt, giúp các đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước và công chúng dễ dàng tương tác, trao đổi và tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Tính chất Quốc hội số gồm: Minh bạch và công khai; tương tác và kết nối cao; hiệu quả và linh hoạt; bảo mật và an toàn thông tin; tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khả năng làm việc từ xa và linh hoạt; dữ liệu số hóa và dễ dàng truy cập. Thiếu tướng Tào Đức Thắng cũng cho rằng, còn nhiều việc cần làm để triển khai xây dựng Quốc hội số. Viettel cam kết sẽ tận dụng tối đa kinh nghiệm và năng lực công nghệ để triển khai các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm giúp Quốc hội Việt Nam CĐS thành công.
Quá trình xây dựng Quốc hội số hiện đang ở giai đoạn đầu, với nhiều thách thức và cơ hội, đòi hỏi một sự chuẩn bị toàn diện, từ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm hệ thống bảo mật và khả năng kết nối liên tục đến việc nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho các thành phần tham gia; thúc đẩy hợp tác với các chuyên gia và đối tác quốc tế... Đây là một bước đi táo bạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới trong công tác lập pháp; cũng là con đường tất yếu mà Quốc hội Việt Nam phải đi, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, linh hoạt và phù hợp với xu thế toàn cầu.
VŨ DUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tao-lap-quoc-hoi-so-doi-moi-minh-bach-va-hieu-qua-822071