“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”
Tảo mộ ngày cận tết mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Chính vì thế, dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, hàng năm, cứ đến dịp tảo mộ, con cháu từ khắp mọi nơi đều hướng về tổ tiên, nguồn cội với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc. Theo thông lệ, từ ngày 20 đến 25 tháng Chạp, tùy theo điều kiện từng gia đình mà con cháu sẽ cùng nhau hẹn ngày tảo mộ ông bà, tổ tiên.
Từ sáng sớm, gia đình bà Huỳnh Thị Liễu đã đến viếng phần mộ của những người đã khuất trong gia đình
Bà Huỳnh Thị Liễu (TP.Gò Công, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Sau khi lấy chồng về Gò Công, hàng năm, cứ vào sáng 20 tháng Chạp, con cháu dòng họ Huỳnh chúng tôi lại tề tựu đông đủ để cùng nhau đi tảo mộ tại nghĩa trang của dòng họ. Đây là dịp để con cháu từ khắp nơi trở về sum vầy bên nhau, cùng nhau dọn dẹp, lau chùi mộ phần, bày biện mâm cúng và thắp nén nhang tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên”.
Các thành viên trong gia đình bà Huỳnh Thị Liễu đốt vàng mã cho người đã mất
Theo phong tục, trước khi tiến hành làm cỏ, sơn phết lại mộ phần, người cao tuổi nhất, có uy tín trong dòng họ sẽ đại diện thắp nhang, đốt đèn, mời rượu, cúng bánh, đốt vàng mã và khấn vái trước khi động mộ. Trong lúc dọn mộ, các chú, các chị, các em nhắc lại những kỷ niệm vui về người đã khuất.
“Tôi còn nhớ lúc nhỏ, được cha mẹ dẫn đi tảo mộ, được nghe cha mẹ kể về ông bà, tổ tiên. Nhờ vậy mà tôi biết được từng ngôi mộ của ai, mối quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ”, bà Liễu nói.
Những ngày cuối năm, không khí tảo mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh diễn ra trang nghiêm và xúc động. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc mà còn là bài học sâu sắc về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu về nguồn cội và lòng biết ơn.
Người thân đến lao dọn phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, gia đình bà Giang Thị Gái (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) lặng lẽ thắp hương tại phần mộ liệt sĩ Giang Văn Mái. Ông là anh trai của bà Gái, một A Trưởng đã anh dũng hy sinh trên đất bạn Campuchia vào ngày 28/02/1986. Ký ức của bà Gái vẫn vẹn nguyên về lần đầu tiên tìm được phần mộ của anh mình.
Bà Gái chia sẻ: “Lần đầu mới vô cổng thấy đúng tên họ, ngày sinh, ngày hy sinh, quê quán,... là không ai kiềm được lòng. Mộ anh tôi nằm ở đây mấy chục năm nay, do các đồng đội chôn cất lâu rồi nhưng gia đình không biết. Từ khi biết mộ anh, mỗi năm chúng tôi đi viếng 2 lần, vào ngày 27/7 và 24 tháng Chạp. Vào ngày 25 tháng Chạp, anh em trong gia đình còn cùng nhau tảo mộ ông bà ở quê nhà, chuẩn bị gà, bánh, mứt, hoa, trái để cúng".
Người dân thắp hương trước phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh
Theo bà Gái, truyền thống tảo mộ không chỉ là cách tưởng nhớ người thân mà còn là dịp để giáo dục con cháu về lòng biết ơn, sự gắn bó với nguồn cội.
Bà Gái tâm sự: “Chúng tôi dẫn theo con cháu đi viếng để chúng biết về cội nguồn. Truyền thống tảo mộ là truyền thống tốt đẹp, nhắc nhở con cháu nhớ về gốc gác, sau này mình không còn nữa, tụi nó biết để đi thăm”.
Cùng gia đình bà Gái, em Huỳnh Thị Ngọc Tiên (SN 2007, ngụ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) cũng tham gia tảo mộ cậu mình. Mặc dù chưa từng gặp cậu nhưng mỗi năm vào ngày 24 tháng Chạp, em đều theo gia đình viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh để tưởng nhớ.
Ngọc Tiên nói: “Em chỉ biết về cậu qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Nhưng mỗi lần đến viếng, em cảm nhận được sự thiêng liêng, lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Em thấy truyền thống tảo mộ này rất ý nghĩa, là bài học về uống nước nhớ nguồn mà thế hệ trẻ chúng em cần giữ gìn và phát huy”.
Những câu chuyện xúc động từ các gia đình không chỉ thể hiện lòng tri ân sâu sắc mà còn khẳng định giá trị của truyền thống tảo mộ. Đây là cầu nối giữa các thế hệ, giúp con cháu hiểu về lịch sử gia đình, sự hy sinh của cha ông; đồng thời, lan tỏa tinh thần yêu nước, biết ơn và trách nhiệm với quê hương, đất nước./.
Khánh Duy – Thu Thảo