Tết Thanh Minh, một ngày lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa Việt Nam và nhiều nước Á Đông khác, không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên mà còn là cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu. Trong ngày này, người dân thường tham gia vào hoạt động tảo mộ, dọn dẹp, chăm sóc phần mộ của tổ tiên.
Hướng dẫn tảo mộ Tết Thanh minh
Dưới đây là những thông tin chi tiết giúp bạn chuẩn bị chu đáo cho ngày lễ ý nghĩa này.
Chọn ngày thích hợp
Năm 2025, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4/4 và kết thúc vào ngày 19/4 Dương lịch. Ngày Tết Thanh minh (4/4) nhằm vào thứ Sáu 7/3 Âm lịch. Việc chọn một ngày cụ thể để thực hiện tảo mộ có thể phụ thuộc vào lịch trình của từng gia đình cũng như điều kiện thời tiết. Điều quan trọng là cả gia đình cùng thống nhất và sắp xếp thời gian để có thể đi chung với nhau.
Nhiều gia đình chọn đi tảo mộ vào cuối tuần (thứ Bảy hoặc Chủ nhật, ngày 5-6 tháng 4 Dương lịch) để được rộng rãi về thời gian và đông đủ các thành viên.
Các gia đình nên chọn ngày thích hợp để có thể cùng nhau đi. (Ảnh: Ngô Nhung)
Chuẩn bị dụng cụ dọn dẹp
Trước khi đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh, các gia đình cần chuẩn bị những dụng cụ cần thiết như cuốc, xẻng, kéo cắt cỏ, chổi, túi đựng rác... để dọn dẹp sạch sẽ khu vực quanh mộ. Mọi người có thể đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, loại bỏ cỏ dại và cây bụi mọc trên mộ, tránh tình trạng bị rắn, chuột đào hang hay thu hút trâu bò đến phá hoại.
Đối với những khu mộ đã xây, việc quét dọn sạch sẽ được thực hiện kỹ càng, sau đó người tảo mộ thắp hương và đặt lễ để cúng bái.
Chuẩn bị mâm cúng Tết Thanh minh ngoài mộ
Mâm cúng tại phần mộ thường mang tính chất giản dị hơn so với mâm cúng tại gia đình, nhưng không vì thế mà mất đi sự trang nghiêm và thành kính. Các lễ vật thường thấy trong mâm cúng này gồm có: Hương, đèn, nến, hoa tươi, trầu cau, bánh kẹo, chè xôi, rượu, nước trà, gạo, và muối. Mỗi vật phẩm đều mang một ý nghĩa riêng, tượng trưng cho sự trong sạch và lòng kính trọng đối với những người đã khuất.
Tùy theo truyền thống và điều kiện của từng gia đình, mâm cúng có thể được chuẩn bị theo hai hình thức: Lễ chay hoặc lễ mặn. Trong trường hợp gia đình chọn lễ chay, các thành viên có thể chuẩn bị xôi chè, oản chuối, bánh, nước, gạo muối, bỏng, và chén mật ong. Những món này không chỉ mang lại cảm giác thanh tịnh mà còn thể hiện sự trang nghiêm trong lễ cúng.
Đối với những gia đình chọn lễ mặn, bên cạnh những lễ vật cơ bản, mâm cúng có thể bổ sung thêm xôi, gà luộc hoặc khoanh giò. Đây là những món ăn truyền thống, không chỉ thể hiện sự đầy đủ mà còn là lòng kính trọng, biết ơn dành cho tổ tiên.
Thực hiện nghi thức cúng bái
Sau khi phần mộ đã được dọn dẹp sạch sẽ, gia đình bày biện đồ lễ và thắp hương khấn ông bà tổ tiên và thân nhân đã khuất, bày tỏ lòng thương nhớ và biết ơn. Các gia đình có thể đọc văn khấn hoặc cầu nguyện theo phong tục, tín ngưỡng riêng.
Tảo mộ để thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên và những người đã khuất. (Ảnh: Ngô Nhung)
Ăn bữa cơm sum họp
Tảo mộ không chỉ là việc chăm sóc phần mộ của tổ tiên mà còn là lúc sum họp, gắn kết tình cảm gia đình. Sau khi hoàn thành các nghi thức tại mộ, nhiều gia đình thường tổ chức bữa cơm thân mật để cùng nhau ôn lại kỷ niệm và bàn luận công việc gia đình.
Những lưu ý khi đi tảo mộ Tết Thanh minh
Lễ tảo mộ cần được thực hiện theo thứ tự nghiêm ngặt, từ dọn dẹp mộ phần, lên hương, dâng lễ cúng, mời rượu, khấn vái và cuối cùng là hóa vàng mã. Sự chỉn chu trong nghi lễ là cách thể hiện lòng kính trọng và giữ gìn sự linh thiêng cho nơi an nghỉ của người đã khuất.
Tại nghĩa trang, việc cười đùa hay nói chuyện to tiếng được coi là thiếu tôn trọng. Điều này có thể làm mất đi bầu không khí trang nghiêm cần có. Mọi người nên giữ thái độ nghiêm trang, nhẹ nhàng để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với tổ tiên.
Trang phục khi đến nghĩa trang nên có màu sắc trang nhã, tránh những màu sắc quá nổi bật như đỏ hay vàng. Điều này giúp duy trì sự trang nghiêm và cũng là cách để tôn trọng phong tục truyền thống.
Những điều lưu ý khi đi tảo mộ Tết Thanh minh. (Ảnh: Ngô Nhung)
Người đi tảo mộ Tết Thanh minh cần giữ sự yên tĩnh, tránh cười đùa ồn ào. Không nên đến muộn hay bỏ qua bất kỳ nghi lễ quan trọng nào. Việc tham gia đầy đủ thể hiện lòng thành kính và tôn trọng những người đã khuất. Không nên giẫm đạp lên mộ của gia đình khác, xả rác, tổ chức ăn uống hay chơi đùa tại khu vực mộ phần.
Sự thành tâm và lòng hiếu thảo mới là quan trọng nhất trong Tết Thanh minh. Các gia đinh không nên quá đặt nặng vấn đề vật chất hay chuẩn bị lễ vật quá rườm rà.
Khi làm lễ cúng Tết Thanh minh ngoài mộ, nên tránh làm vỡ đồ cúng, vì việc này được coi là điềm không tốt, ảnh hưởng đến sự bình an của gia đình.
Những người có sức khỏe yếu hoặc phụ nữ mang thai nên cân nhắc việc tham gia tảo mộ Tết Thanh minh. Không khí tại nghĩa trang có thể không phù hợp; nếu cần thì có thể nhờ người khác thực hiện thay.
Nhật Thùy