Tạo môi trường đáng sống cho nhà đầu tư

Tạo môi trường đáng sống cho nhà đầu tư
6 giờ trướcBài gốc
Tăng cường hợp tác với quốc tế
Để phát triển công nghiệp nói chung và các KCN nói riêng ở vị trí xa TPHCM, Bình Dương cần tìm kiếm một mô hình mới tổng thể, toàn diện, không chỉ giúp phát triển công nghiệp đơn lẻ, mà đồng thời phải phát triển được hệ thống dịch vụ, đô thị,… nhằm tạo ra một môi trường đáng sống cho nhà đầu tư, cho người lao động và cả những người dân xung quanh.
Khu công nghiệp VSIP - một trong những biểu tượng hợp tác quốc tế thành công tại tỉnh Bình Dương.
Xác định rõ các yếu tố đó, với cầu nối là Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, cộng sự nhiệt tình năng động của lãnh đạo tỉnh thời kỳ này, Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) được hình thành giữa doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương và đối tác Singapore. Đây là một bước đi chiến lược với một đối tác uy tín, có kinh nghiệm triển khai các dự án ở quy mô quốc tế, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong thu hút, xúc tiến đầu tư công nghiệp ở quy mô toàn cầu, đã giúp Bình Dương học hỏi về cách thức phát triển công nghiệp của Singapore, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống tiếp thị và xúc tiến đầu tư của tỉnh ra toàn cầu.
Bình Dương đã tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng mô hình Ban Quản lý các KCN đầu tiên trên cả nước. Mô hình này ngay lập tức phát huy được hiệu quả, tạo ra sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, giúp gây dựng một hình ảnh thân thiện của chính quyền trong mắt các nhà đầu tư.
Việc hình thành mô hình Ban Quản lý các KCN tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động theo cơ chế “một cửa”; đảm bảo tính minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một chủ trương lớn của tỉnh.
Công nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương.
Sự ra đời của liên doanh KCN Việt Nam - Singapore đã mang đến cho Bình Dương một góc nhìn mới, một mô hình chuẩn mới, dần hình thành khái niệm “phát triển không chỉ có công nghiệp”, các KCN sẽ không thể tồn tại một các bền vững nếu như đan xen với nó không có các khu đô thị cao cấp phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, các khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động có thu nhập thấp và các khu tái định cư phục vụ những người dân trong diện đền bủ giải tỏa, ngoài ra còn là hệ thống các dịch vụ tiện ích xã hội như y tế, trường học, dịch vụ xã hội khác.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC cho rằng, ở khuôn khổ một liên doanh sẽ không thể thực hiện hết tất cả các nhiệm vụ nêu trên, trong đó có bao hàm cả nhiệm vụ chính trị và hi sinh cho trách nhiệm xã hội. Nhận thức điều đó, những doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương đã học hỏi, đúc kết được những tinh túy trong mô hình phát triển công nghiệp của Singapore, từ đó bổ sung và tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm tổng kết hóa một mô hình chuẩn phù hợp với Việt Nam để chia sẻ và nhân rộng ra cả nước.
Với điểm tựa và nền tảng cộng hưởng của Bình Dương đã tạo lên sự thành công của mô hình VSIP. Từ một khu công nghiệp VSIP đầu tiên với diện tích 500 ha tại Thuận An; đến nay, VSIP đã phát triển trên 10 dự án với tổng quỹ đất khoảng 10.000 ha tại miền Nam (Bình Dương), miền Bắc (Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương) và miền Trung (Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Định, Quảng Trị). Liên doanh đang cung cấp hạ tầng sản xuất cho gần 1000 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD và tạo việc làm cho gần 300 nghìn ngàn lao động trong nước và nước ngoài. Khu công nghiệp VSIP đã trở thành mô hình chuẩn về phát triển KCN xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Dẫn đầu thu nhập đầu người
Từ một tỉnh có thu nhập thấp, sau hơn 20 năm, GDP bình quân đầu người của Bình Dương đã ở mức thu nhập trung bình cao, gấp khoảng 2,5 lần trung bình cả nước và gần bằng Thái Lan.
Hạ tầng của Bình Dương được đánh giá ở top đầu cả nước.
Kết quả khảo sát sơ bộ về mức sống dân cư năm 2023 cho thấy, Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về mức thu nhập bình quân đầu người, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng; Hà Nội đứng thứ 2, với 6,68 triệu đồng; Đồng Nai ở vị trí thứ 3, với mức thu nhập bình quân 6,57 triệu đồng và TPHCM đứng vị trí thứ 4 với 6,51 triệu đồng.
Lý giải vì sao GDP bình quân đầu người của Bình Dương lại đạt con số ấn tượng đến như vậy, các chuyên gia cho rằng, chính quyền và doanh nghiệp ở đây đã cùng "chung lưng, đấu cật" để có được hạ tầng cứng và hạ tầng mềm tốt nhất cho nhà đầu tư. Hạ tầng cứng nghĩa là hệ thống KCN, giao thông kết nối tốt. Còn hạ tầng mềm là nhân lực, như đào tạo tại chỗ tốt và thu hút từ bên ngoài cũng tốt.
Nhờ cơ sở hạ tầng công nghiệp, Bình Dương có lợi thế thu hút được nhân lực từ nhiều nơi khác về mà lại không tốn chi phí đầu tư giai đoạn đầu (tức khi người đó chưa đến tuổi lao động, còn sống ở quê nhà). Vì vậy, hiệu quả nhân lực của Bình Dương cao.
Ngoài ra, phía chính quyền, hay như Ban quản lý các KCN - đã tạo một bộ máy "thực sự giúp được các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, chứ không vòi vĩnh, gây khó khăn cho họ". Nhờ vậy, môi trường kinh doanh tại Bình Dương rất tốt.
Những khu dân cư trong đô thị, gắn với phát triển công nghiệp xanh đã góp phần nâng cao mức sống của người dân Bình Dương.
Hiện Bình Dương có 5 thành phố trực thuộc tỉnh, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Tân Uyên và TP.Bến Cát đang được định hướng phát triển thành đô thị thông minh để tạo đột phá về dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và công nghệ tài chính.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt trung bình trên 8%/năm, phấn đấu đến 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt tối thiểu 9.400 USD/người/năm.
Theo ông Minh, để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bình Dương tiếp tục chuyển dịch, hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - thương mại là chính, trong đó chú trọng thu hút đầu tư, ứng dụng tối đa khoa học - công nghệ để tăng hiệu quả năng suất lao động; quan tâm đến việc thu hút nguồn nhân lực về Bình Dương sinh sống và làm việc.
“Tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, làm sao để hàng hóa được vận chuyển ra các cảng, sân bay một cách nhanh nhất; tiếp tục phát triển giao thông nội tỉnh, liên tỉnh; sử dụng đầu tư công…”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
QUỐC ĐỊNH
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tao-moi-truong-dang-song-cho-nha-dau-tu-10292394.html