Trong đó, viba đóng vai trò quan trọng khi triển khai hạ tầng mạng tại các khu vực khó khăn về địa hình, khoảng cách hoặc tại các khu vực gặp khó khăn trong triển khai cáp quang như nội đô, thành phố lớn.
Thực tế khi cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam (tháng 9/2024) đã làm cho truyền dẫn cáp quang bị hư hại gây gián đoạn kết nối đối mạng di động tại các khu vực bị chia cắt, nhà mạng phải sử dụng truyễn dẫn viba để nhanh chóng khôi phục kịp thời hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo liên lạc thông suốt, hỗ trợ chỉ đạo, điều hành khắc phục hậu quả bão. Qua đó, cho thấy viba vẫn có vai trò quan trọng đối với mạng lưới của hệ thống viễn thông công cộng.
Vừa qua, mạng thông tin di động 5G đã được cấp phép chính thức để triển khai thương mại đã làm cho nhu cầu sử dụng viba tăng lên. Mạng 5G với yêu cầu tốc độ cao, do vậy mạng lưới truyền dẫn như viba cần phải có băng thông đủ lớn.
Để triển khai dịch vụ 5G cần các đường truyền dẫn có tốc độ lên đến 10 Gbps. Khi đó, cần có các tuyến truyền dẫn viba có độ rộng kênh lên đến 2000 MHz.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành các Thông tư về quy hoạch băng tần cho viba như Thông tư số 17/2018/TT-BTTTT về quy hoạch phân kênh tần số cho nghiệp vụ Cố định và Di động mặt đất băng tần 30-30000 MHz, có độ rộng kênh lớn nhất 220 MHz (tại băng tần 18 GHz); Thông tư số 34/2016-TT-BTTTT quy định cho viba băng tần 57 - 66 GHz (băng tần V), có độ rộng kênh lớn nhất 2500 MHz.
Băng tần dưới 30 GHz có suy hao truyền sóng thấp hơn so với băng tần V, cho khoảng cách truyền dẫn xa hơn. Tuy nhiên, băng tần dưới 30 GHz có hạn chế là dung lượng thấp (lớn nhất là 2 Gbps, với kênh tần số độ rộng 220 MHz), mới chỉ đáp ứng tốt truyền dẫn cho mạng 2G/3G/4G.
Băng tần V có băng thông rộng, dung lượng truyền dẫn cao hơn nhiều so với băng tần dưới 30 GHz, nhưng khoảng cách đường truyền ngắn do suy hao lớn. Qua đánh giá, thử nghiệm của doanh nghiệp, là khoảng 400m với điều kiện môi trường khí hậu tại Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu truyền dẫn cho 5G, băng tần E đã được nhiều nước xem xét vì có ưu điểm sau: Dung lượng lớn; ít bị ảnh hưởng suy hao do mưa hơn băng tần V, do vậy có khoảng cách tốt hơn (kết quả thử nghiệm lên đến 1 km); nguy cơ nhiễu trong không gian truyền giảm xuống và khả năng tái sử dụng tần số khi quy hoạch tuyến sẽ linh hoạt hơn...
Ngoài ra, một số doanh nghiệp thông tin di động trong nước đã có đề nghị xây dựng quy hoạch phân kênh tần số băng tần E cho viba.
Vì vậy, để có sở cứ cấp phép cho doanh nghiệp sử dụng nhằm phát triển mạng lưới 5G theo định hướng phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, cần thiết xây dựng Quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ Cố định băng tần E.
Mới đây, Bộ KH-CN đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN về Quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ Cố định băng tần 71 - 76 GHz và 81 - 86 GHz.
Thông tư áp dụng với tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam.
Quy hoạch hướng tới mục tiêu thiết lập trật tự sử dụng kênh tần số vô tuyến điện, thống nhất tiêu chuẩn áp dụng, bảo đảm quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nhằm đáp ứng nhu cầu truyền dẫn tốc độ cao bằng vô tuyến trong băng tần 71 - 76 GHz và 81 - 86 GHz.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, việc ban hành Thông tư 02 là một bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc sử dụng băng tần E tại Việt Nam, tạo nền tảng thuận lợi cho triển khai hạ tầng truyền dẫn tốc độ siêu cao - một thành phần thiết yếu để phát triển mạng 5G trên phạm vi toàn quốc.
Bộ KH-CN cho biết, đến nay, 03 nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone đã chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động 5G. Để mở rộng vùng phủ sóng 5G, các nhà mạng đặt mục tiêu triển khai ít nhất 20.000 trạm BTS 5G trong năm 2025...
Theo baochinhphu.vn