Ảnh minh họa INT.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1 triệu sinh viên theo học các ngành thuộc khối STEM, những con số thống kê liên quan đến việc thí sinh lựa chọn môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đặt ra nhiều vấn đề.
Theo đó, về thứ tự và số lượng thí sinh đăng ký môn thi, các môn Khoa học xã hội như Lịch sử xếp thứ 3, Địa lý xếp thứ 4, chỉ sau hai môn bắt buộc Toán và Văn. Trong khi đó, các môn học liên quan đến STEM đứng hàng sau: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ nông nghiệp, Tin học xếp từ thứ 6 đến thứ 11, Công nghệ công nghiệp mãi thứ 14. Trước đó, thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, có tới 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 học Chương trình GDPT 2018, từ lớp 10 các em đã chọn tổ hợp môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Vì thế, tỷ lệ lựa chọn môn thi tốt nghiệp năm nay phản ánh khá thực chất xu hướng chọn nghề của học sinh. Có nhiều nguyên nhân được phân tích và lý giải cho hiện tượng học sinh né chọn các môn liên quan STEM.
Thực tế quá trình học các môn này ở phổ thông khó hơn, đi thi cũng ít được điểm cao so với môn Khoa học xã hội. Một số trường đại học xét tuyển cả những môn Khoa học xã hội cho các ngành STEM nên thí sinh có xu hướng chọn thi môn dễ có điểm cao. Học các ngành STEM học phí cao hơn, thời gian dài hơn các ngành xã hội, nhân văn… Đáng chú ý, điều kiện dạy học các môn STEM ở bậc phổ thông hiện nay còn nhiều hạn chế.
Dù Chương trình GDPT 2018 thúc đẩy học sinh theo học các ngành STEM qua môn Khoa học tự nhiên từ cấp THCS nhưng hiện đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ. Ở các địa phương còn tồn tại giáo viên ba môn cùng dạy môn tích hợp. Điều kiện trang thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành cho môn Khoa học tự nhiên còn thiếu thốn, đặc biệt ở vùng sâu xa.
Trong khi đó, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong chương trình phổ thông chủ yếu liên quan đến xã hội nhân văn, ít có hoạt động STEM. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo kiến thức môn học, đặc biệt là giúp học sinh có yêu thích, đam mê STEM để sớm hình thành định hướng nghề nghiệp.
Thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực STEM sẽ cản trở phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Để thu hút thí sinh chọn học lĩnh vực STEM, nhiều chính sách được khởi động như: Tăng chỉ tiêu tuyển sinh, đầu tư các phòng thí nghiệm ở đại học; hỗ trợ tín dụng, học bổng cho sinh viên, khuyến khích, thu hút các chuyên gia nước ngoài vào làm việc… Tuy vậy, theo các chuyên gia, muốn tạo được sức hút căn bản, phải có giải pháp đồng bộ ngay từ phổ thông, đặc biệt từ cấp THCS.
Những năm qua nhờ điều kiện kinh tế, xã hội tốt cùng sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cho dạy học STEM, học sinh TPHCM có xu hướng chọn môn Khoa học tự nhiên để thi tốt nghiệp gia tăng. Năm 2024, tỷ lệ học sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên của thành phố này chiếm đến 60,85%, nhiều trường THPT có tỷ lệ từ 70% đến trên 80%.
Dạy học tốt các môn STEM ở phổ thông, nhất là môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS là chất xúc tác quan trọng cho học sinh quan tâm hướng nghiệp lĩnh vực này. Vì thế, bên cạnh các chính sách thu hút tuyển sinh nhóm ngành STEM, tăng cường truyền thông, cần quan tâm đầu tư hơn nữa điều kiện dạy học nhóm môn Khoa học tự nhiên, rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa vùng miền.
Khi học sinh được tổ chức học tốt, truyền thông đúng hướng về STEM qua hoạt động giáo dục, việc lựa chọn môn thi cũng như xét tuyển đại học liên quan đến nhóm ngành này sẽ khởi sắc hơn, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Mai Nguyên