Tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển rộng rãi tại 2/2 chợ truyền thống, trên 190 cửa hàng tiện lợi cùng các cơ sở kinh doanh. Tại chợ Gú, thị trấn Diêm Điền, người dân đi chợ buổi sớm rất đông, theo quan sát tình hình thực tế, tất cả mọi người khi mua mớ rau, lạng thịt đều đề nghị thanh toán bằng chuyển khoản. Chị Nguyễn Phương Huệ, người dân bán thịt tại chợ cho biết, bây giờ người dân đi chợ không dùng tiền mặt mấy, rất ít, chủ yếu thanh toán qua internet banking, VP Pay, mã QR code… vì vậy, chị và nhiều tiểu thương ở đây đã đăng ký và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Thay đổi thói quen mua sắm của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
“Khách hàng tự tháo tác quét mã QR, tôi chỉ cần xem lại tin nhắn báo nhận được số tiền trên điện thoại, không sợ nhầm lẫn và tốn thời gian nhận tiền mặt, trả tiền thừa như trước. Tôi thấy việc thanh toán không dùng tiền mặt như này rất tiện ích, thuận lợi…” – chị Nguyễn Phương Huệ chia sẻ.
Theo ông Lê Hợp Doanh, Trưởng ban quản lý chợ Gú chia sẻ: Chợ Gú là chợ hạng II, có hơn 300 hộ kinh doanh với đầy đủ các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa quả đến đồ gia dụng, quần áo, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Thời gian gần đây, chúng tôi thực hiện mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Ban quản lý chợ đã phối hợp với một số ngân hàng tuyên truyền đến bà con tiểu thương, hộ kinh doanh triển khai mở tài khoản, lập mã QR Code; trên 70% tiểu thương, hộ kinh doanh đã hưởng ứng, mở tài khoản.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thị trấn Diêm Điền cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện Thái Thụy đã phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng. Theo ông Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND thị trấn, địa phương đã thành lập 17 tổ công nghệ số cộng đồng với 71 người tham gia, nhiệm vụ chính là trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các tổ dân phố. Hiện trên 80% dân số trong độ tuổi lao động thực hiện thanh toán dịch vụ thiết yếu không dùng tiền mặt; trên 95% hộ sản xuất, kinh doanh cài đặt ứng dụng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR Code.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, huyện Thái Thụy khuyến khích, vận động cán bộ, công chức, người lao động, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, tiểu thương và người dân lựa chọn sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch. Đồng thời, thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng thụ hưởng.
Theo bà Vũ Thị Hường, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Thái Thụy cho biết: Thực hiện chủ trương về chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng cho người dân qua tài khoản, từ tháng 7/2024 đến nay, Agribank Chi nhánh huyện Thái Thụy đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội chuyển sang nhận chi trả qua tài khoản; miễn phí phát hành thẻ ATM; cung cấp số tài khoản nhanh nhất đáp ứng công tác kê khai đăng ký chuyển sang nhận qua tài khoản tại điểm chi trả kịp thời; phân công cán bộ xuống tận các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội tại các khu dân cư để tư vấn, hướng dẫn người mở tài khoản cách sử dụng và truy cập các tiện ích khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Với những cách làm tích cực, đến nay đã có hơn 52.400 tài khoản thanh toán, hơn 161 đơn vị trả lương qua tài khoản, hơn 30.000 khách hàng đăng ký dịch vụ Agribank Plus, cấp miễn phí hơn 3.500 mã QR.
Hiện Agribank Chi nhánh huyện Thái Thụy có 7 máy ATM (trong đó có 2 máy CDM - nộp rút tiền tự động) đặt ở thị trấn Diêm Điền và các xã; triển khai lắp đặt 11 máy POS tại các cửa hàng; kết nối thu hộ học phí 68 đơn vị trường học qua phần mềm học phí Misa. Thời gian tới, Agribank Chi nhánh huyện Thái Thụy tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, từng bước đưa TTKDTM trở thành thói quen của người dân; tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử; triển khai các chương trình khuyến mại với những chính sách ưu đãi; tăng cường công tác an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; cải cách thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh TTKDTM.
Để tạo thuận lợi trong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng số trên địa bàn huyện Thái Thụy được quan tâm. Tính đến tháng 11/2024, huyện có hơn 50% gia đình lắp đặt internet cố định; hơn 87% số hộ có người sử dụng điện thoại thông minh; các đơn vị viễn thông phối hợp cùng các địa phương triển khai rà soát, xóa vùng lõm internet trên địa bàn.
Việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR Code tạo sự tiện ích, thuận lợi.
Thái Thụy hiện có hơn 92.000 người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, đạt tỷ lệ gần 40%. Theo ông ông Trần Ngọc Lâm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, địa phương đang phấn đấu đến năm 2025 từng gia đình đều tiếp cận được dịch vụ internet băng thông rộng, tỷ lệ người dân đủ từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50% trở lên. Vì vậy, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cấp hạ tầng số, nhân lực số, bảo đảm an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh phối hợp với các nhà mạng viễn thông, ngân hàng thương mại trên địa bàn để đa dạng giải pháp tạo lập tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số…
A.Minh