Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao UBCK rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Thị trường thiếu hàng mới
Số doanh nghiệp niêm yết mới trong vài năm gần đây rất thấp, riêng năm 2024 chưa được 10 doanh nghiệp mới lên sàn HOSE và HNX, tính cả các doanh nghiệp chuyển sàn.
Việt Nam cũng đứng ở cuối trong bảng xếp hạng về IPO ở khu vực Đông Nam Á, theo dữ liệu của Deloitte Việt Nam. Bên cạnh đó, năm nay chỉ có 1 doanh nghiệp thực hiện IPO là Công ty Chứng khoán DNSE.
Ông Bùi Văn Trịnh, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Đảm bảo, Deloitte Việt Nam đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 có nhiều khó khăn, nhưng đây cũng là khoảng thời gian để nắm bắt các cơ hội, được ủng hộ bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi và môi trường lãi suất thấp. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành các quy định mới để giúp nâng hạng thị trường chứng khoán, nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều biến động như hai năm đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, cú sốc trái phiếu doanh nghiệp cũng như lãi suất hồi cuối năm 2022 khiến cộng đồng doanh nghiệp trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử hoạt động.
Vì thế, việc đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe tài chính, hiệu quả kinh doanh để được lên sàn niêm yết trở nên khó khăn với các doanh nghiệp.
Chưa kể, thị trường chứng khoán vẫn trồi sụt thất thường nên khả năng huy động vốn với các thương hiệu mới không cao. Do đó, không khó hiểu về sự dè dặt của nhiều doanh nghiệp về việc niêm yết.
Theo quy định, để lên sàn HOSE, doanh nghiệp phải có 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm gần nhất đạt ít nhất trên 5% số vốn, không có nợ quá hạn trên 1 năm, không có lỗ lũy kế tính tới thời điểm đăng ký niêm yết…
Với sàn HNX, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 5%, không có nợ quá hạn trên 1 năm, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.
Theo chủ trương tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán, HOSE sẽ là thị trường niêm yết, nên kể từ ngày 1/7/2025, HNX sẽ không nhận hồ sơ niêm yết mới.
Việc có khoảng chênh về điều kiện niêm yết giữa hai sở giao dịch chứng khoán cũng là lý do khiến một số doanh nghiệp chọn sàn “dễ chịu” hơn.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) đang rốt ráo triển khai niêm yết trên HNX sau thời gian dài theo đuổi sàn HOSE song khó có thể đáp ứng các điều kiện. Doanh nghiệp có kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược Hàn Quốc, yêu cầu niêm yết cổ phiếu của đối tác là động lực thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kế hoạch lên sàn.
Những dấu hiệu khởi sắc của ngành đường sắt gần đây cũng là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp. Doanh thu của RCC đã vượt 1.000 tỷ đồng sau nhiều năm èo uột. Triển vọng của các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hứa hẹn là cú huých với doanh nghiệp trong tương lai.
Với Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), thị giá cổ phiếu trên sàn UPCoM gần đây có diễn biến tích cực không nằm ngoài kỳ vọng doanh nghiệp sắp chuyển sàn. Thực tế, chiều 12/12/2024, BSR đã đón nhận giấy phép niêm yết trên HOSE.
Theo đó, nhiều quỹ lớn có thể đầu tư vào cổ phiếu này, bởi giao dịch tại UPCoM là một rào cản khiến các tổ chức không giải ngân do họ quan niệm điều kiện đăng ký giao dịch của UPCoM là dưới chuẩn.
Sửa nhiều quy định để thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 155 đang được UBCK lấy ý kiến, có nhiều nội dung gỡ khó cho niêm yết mới cũng như rút ngắn thủ tục, hồ sơ đăng ký, đặc biệt là quy định cho phép tích hợp quá trình IPO và niêm yết.
Cụ thể, tổ chức phát hành khi nộp hồ sơ đăng ký IPO đồng thời với niêm yết chứng khoán có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký niêm yết để Sở giao dịch chứng khoán xem xét.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ, Sở giao dịch sẽ có văn bản thông báo cho tổ chức đăng ký niêm yết, đồng thời gửi UBCK. Nếu tổ chức đăng ký niêm yết không đáp ứng đủ điều kiện, Sở giao dịch sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra yêu cầu, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết, tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa chứng khoán vào giao dịch. Quy định này nếu được thực hiện sẽ rút ngắn 60 ngày so với trước đây.
Nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa niêm yết, dự thảo Nghị định đưa ra quy định, doanh nghiệp cổ phần hóa theo pháp luật về cổ phần hóa trước ngày Nghị định số 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành được miễn trừ điều kiện về cơ cấu cổ đông khi đăng ký niêm yết.
Quy định này được nhận xét sẽ góp phần thu hút doanh nghiệp lớn lên niêm yết và thúc đẩy nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp.
Việc gắn IPO với niêm yết cổ phiếu cũng mở ra cơ hội mới với các doanh nghiệp nhà nước trong diện cổ phần hóa tới đây. Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, Nhà nước chỉ giữ 195 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do đó, số lượng doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa còn rất lớn.
Dữ liệu cho thấy, làn sóng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 - 2011 là giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa và thu hút được vốn ngoại quy mô lớn. Nhà đầu tư tham gia mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nhà nước khi IPO đến nay đều thắng lớn nếu vẫn còn nắm giữ như tại ACV, VEAM, Petrolimex, Vietcombank, VietinBank, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam…
Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia kinh tế cho rằng, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần gia tăng tính thị trường và tính năng động ở các doanh nghiệp. Đây cũng là một nguồn cung hàng hiệu quả cho thị trường chứng khoán.
Lý thuyết phân cấp thị trường chứng khoán và thực tiễn hoạt động thị trường cho thấy, thị trường sơ cấp (IPO) và thị trường thứ cấp (niêm yết) có mối quan hệ chặt chẽ và tác động tương hỗ lẫn nhau.
Nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết vì chưa nhìn thấy khối lượng nhà đầu tư lớn có thể mua được phần vốn lớn khi niêm yết và các doanh nghiệp này không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn vào thị trường khi có nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết.
Hiện IPO và niêm yết đang là 2 quá trình tách biệt. Do vậy, khoảng thời gian giữa thời điểm nộp tiền mua cổ phần và đưa cổ phiếu lên niêm yết khá dài, có thể là 3 tháng hoặc hơn nữa. Đây là rào cản lớn đối với một số quỹ hay các nhà đầu tư quốc tế. Việc tích hợp quá trình IPO và niêm yết vào làm một sẽ giúp doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu ngay khi IPO xong.
Ông Bùi Hoàng Hải Phó chủ tịch UBCK
Thùy Trang