Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP HCM và Hà Nội vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Cố gắng ít gây xáo trộn
Theo đó, TP HCM sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới, sau sắp xếp giảm 39 phường. Việc sắp xếp 80 phường được triển khai tại các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận.
Với Hà Nội, sẽ sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã. Sau khi sắp xếp, quận Cầu Giấy có 8 phường; quận Đống Đa có 17 phường; quận Hà Đông có 15 phường...
Trước thông tin trên, người dân tại các phường thuộc diện sắp xếp bày tỏ mong muốn quy trình chuyển đổi giấy tờ sẽ diễn ra thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Linh (ngụ phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM) đề nghị chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ về chủ trương và lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ.
Ông Trần Hữu Tài, Chủ tịch UBND phường 12 (quận 3, TP HCM), cho biết từ khi có chủ trương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP HCM, phường đã thông tin, tuyên truyền sâu rộng cũng như lấy ý kiến người dân. "Phường thực hiện tuyên truyền nhiều đợt bằng nhiều hình thức như tổ chức họp, tổ chức hội nghị nhân dân, tuyên truyền qua Zalo..." - ông Trần Hữu Tài thông tin và khẳng định phường sẽ tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ thuận tiện, nhanh chóng.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố sẽ có hướng dẫn về việc xử lý chuyển tiếp đối với những trường hợp điều chỉnh hồ sơ, trong đó sẽ có loại hồ sơ được cơ quan nhà nước tự điều chỉnh. Khi người dân có nhu cầu giao dịch, thành phố sẽ hỗ trợ điều chỉnh luôn, không bắt người dân phải đi chuyển đổi. Đặc biệt, TP HCM không thu phí chuyển đổi giấy tờ, cố gắng ít gây xáo trộn nhất và ít tác động đến đời sống sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023-2030 mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh nguyên tắc sau sắp xếp phải tốt hơn, ổn hơn. Khi thực hiện sắp xếp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Với Hà Nội, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ, cũng khẳng định thành phố yêu cầu sau khi sắp xếp, các đơn vị tạo thuận lợi cho người dân giải quyết giấy tờ. Các huyện triển khai phương án cử cán bộ đến tận địa bàn dân cư để hỗ trợ người dân thực hiện, bảo đảm tiến hành trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân.
TP HCM sẽ sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới, sau sắp xếp giảm 39 phườngẢnh: HOÀNG TRIỀU
Sắp xếp cán bộ dôi dư
Liên quan câu chuyện cán bộ dôi dư, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho hay thành phố sẽ sắp xếp theo lộ trình giảm dần, không giảm ngay. Trường hợp cán bộ dôi dư có thể sắp xếp công việc ở vị trí khác thì TP HCM sẽ tính toán, bố trí phù hợp ở địa phương hay cấp trên như sở, ngành. Người được tiếp tục làm đến về hưu thì tận dụng, còn với những người muốn về hưu ngay thì thành phố sẽ tính toán chính sách. Bên cạnh đó, cũng sẽ có cơ chế, chính sách cho những trường hợp không bố trí được việc khác.
Tổng số cán bộ, công chức của 80 phường ở TP HCM thực hiện sắp xếp được giao là 1.605 người, gồm 462 cán bộ và 1.143 công chức. Bố trí cho 41 phường hình thành sau sắp xếp là 868 người (228 cán bộ, 640 công chức); dôi dư 737 người (234 cán bộ, 503 công chức). Thành phố xây dựng lộ trình bảo đảm đến năm 2029 sẽ giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức dôi dư. Năm 2025 giải quyết 448 người, năm 2026: 91 người, năm 2027: 89 người, năm 2028: 67 người, năm 2029: 42 người.
Tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã của 80 phường thực hiện sắp xếp được giao là 1.010 người; bố trí sau sắp xếp là 759 người. Đối với 251 người dôi dư, TP HCM lên lộ trình bảo đảm đến năm 2029 sẽ giải quyết dứt điểm. Cụ thể năm 2025: 185 người, năm 2026: 40 người, năm 2027: 18 người, năm 2028: 5 người, năm 2029: 3 người.
Tại Hà Nội, trong 20 quận, huyện, thị xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, số lượng cán bộ công chức không chuyên trách được giao định mức là 4.032 người (hiện có mặt 3.383 người), sau sắp xếp sẽ dôi dư 1.031 người.
Ông Trần Đình Cảnh cho hay thành phố đã chỉ đạo tập trung rà soát quy hoạch vùng huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn phù hợp đơn vị hành chính mới; rà soát thiết chế văn hóa cơ sở; thống nhất phương án sắp xếp, bố trí, phát huy tối đa cơ sở nhà đất, trụ sở, tài sản công, nhất là khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả trường học, trạm y tế... Thành phố cũng hướng tới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động.
Cùng với đó, TP Hà Nội tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng với cán bộ dôi dư và công chức, viên chức, người lao động thuộc diện phải điều động sang đơn vị khác hoặc bố trí công tác khác. Tiếp tục bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực tốt vào vị trí người đứng đầu đơn vị hành chính. Với cán bộ, công chức đủ hoặc gần tuổi nghỉ hưu, thành phố cho nghỉ chế độ theo quy định; cán bộ có nguyện vọng nghỉ, chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời.
Tránh lãng phí trụ sở
Về phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản, tại TP HCM, tổng số trụ sở trước khi thực hiện sắp xếp của 80 phường là 327 trụ sở. Số trụ sở sẽ tiếp tục được sử dụng là 249 trụ sở; dôi dư 78 trụ sở. Số lượng trụ sở dôi dư được xử lý theo phương án điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức khác 75 trụ sở và đề xuất bán đấu giá 3 trụ sở, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
PHAN ANH - NGUYỄN HƯỞNG