Mặc dù đã làm tốt công tác dự báo thuốc cần thực hiện đấu thầu nhưng với lượng bệnh nhân lớn, trung bình 800-1.000 lượt khám mỗi ngày, vì vậy tại bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, vẫn có trường hợp bệnh nhân phải tự mua thuốc.
Ông Phạm Văn Cải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, cho biết: "Hiện nay, số lượng, chủng loại, danh mục đủ đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, nên cơ bản người dân không phải mua thuốc ngoài. Khi ngành y tế đấu thầu tập trung thì giá thuốc thống nhất trong toàn ngành và như thế vấn đề thanh quyết toán BHYT rất thuận lợi. Thứ hai, khi đấu thầu thuốc tập trung thì các bệnh viện có điều kiện để điều tiết trong quá trình thực hiện".
Luật Bảo hiểm y tế đã quy đinh cơ chế liên quan đến thanh toán điều chuyển thuốc khi đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia,
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho hay: "Thiết bị chẩn đoán là máy móc thì không điều chuyển mà sẽ áp dụng cơ chế là chuyển dịch vụ cận lâm sàng, tức là chuyển đến cơ sở khác để thực hiện. Chỉ điều chuyển cho những trường hợp đơn lẻ, khách quan, bất khả kháng. Bên cạnh đó, việc điều chuyển phải được sự đồng thuận, tự nguyện của cơ sở có thuốc và căn cứ theo khả năng, năng lực thực tế".
Dự thảo Luật lần này đã cập nhật, bổ sung thêm đối tượng tham gia BHYT. Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, việc bao phủ đầy đủ các đối tượng sẽ làm tăng nguồn thu và góp phần thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT 95%.
"Chúng ta cập nhật, hệ thống lại các đối tượng tham gia BHYT đã được sửa đổi bổ sung hay thay đổi trong các văn bản khác. Tôi cho rằng cùng với các quy định của Luật sửa đổi bổ sung lần này, nhất là việc mở rộng quyền của người tham gia của BHYT, thì sẽ là sức hút để tăng thêm số lượng người tham gia BHYT".
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) cần bổ sung thêm quy định khẳng định quyền người dân có BHYT có thể đi khám ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong nước, để khắc phục tình trạng chuyển tuyến khó khăn như hiện nay.
"Người dân chọn chuyển tuyến vì trạm y tế xã thiếu thiết bị, thiếu bác sĩ tốt, giỏi. Lên huyện cũng thiếu như thế nên họ mới vượt tuyến lên tuyến tỉnh, trug ương, cho nên gây áp lực. Nếu như chúng ta có giải pháp tốt và tăng cường dưới này thì người dân sẽ không phải đi xa nữa vì đi lên tỉnh, lên trung ương cũng vất vả lắm".
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ngành y tế, cần có thêm các chính sách phát triển hệ thống y tế cơ sở từ Trung ương.
"Ngoài việc tạo điều kiện cho người dân đi cứu chữa kịp thời, chúng ta phải có chính sách để làm sao ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Để người dân có thể được điều trị ngay tại địa phương chứ không phải đi đâu xa tận Hà Nội hay TP.HCM. Về quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế, chúng tôi cũng đang triển khai các giải pháp như triển khai chỉ đạo tuyến, đưa bác sĩ về các huyện khó khăn".
Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người có thẻ trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định theo hướng có lợi cho người tham gia. Trong đó có quy định về chuyển từ 04 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 03 cấp chuyên môn kỹ thuật để đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Lê Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/tao-thuan-loi-trong-tiep-can-su-dung-dich-vu-y-te-277054.htm