Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng nâng cao. Trong ảnh: Bà con thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên thi nấu ăn.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, như: Chương trình 135 (Dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ); chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Phù Lá trên địa bàn xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên.
Cùng với đó làchính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; các chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng DTTS và miền núi được thực hiện đầy đủ chế độ theo đúng các quy định của Trung ương và các chính sách đặc thù của tỉnh; chính sách tín dụng ưu đãi; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, Yên Bái đã chủ động, kịp thời triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án của Trung ương; ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Nổi bật là các chính sách đặc thù của tỉnh như: hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người dân thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết số 37/2023/NQ-HĐND ngày 08/7/2023 của HĐND tỉnh; các chính sách thu hút nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế, giáo dục theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và nhiều chính sách, đề án khác trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đúng lộ trình các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững (theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới (theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Công tác quản lý, điều hành thực hiện các chương trình MTQG được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, bài bản. Nhờ đó, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trong thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của các Chương trình.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ làm mới 1.307 nhà ở cho hộ nghèo (trong 3.954 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa toàn tỉnh) từ năm 2021 đến nay; đầu tư 220 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ mua sắm nông cụ, chuyển đổi nghề cho 1.402 hộ; hỗ trợ nước phân tán cho 4.474 hộ; hỗ trợ sinh kế cho người dân với 37 dự án hỗ trợ các hộ nghèo trâu, bò cái sinh sản và 7 dự án về các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giao khoán bảo vệ rừng, trồng 65.225 ha rừng; hỗ trợ 82 công trình duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, thôn...
Thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG và các chính sách, dự án giảm nghèo, giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 3,65%/năm. Cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,16% (giảm 8,91% so với năm 2021). Tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với tổng số hộ DTTS từ 30,36% cuối năm 2021 xuống còn 16,4% cuối năm 2023, giảm bình quân 6,98%/năm. Ước năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 5%. Số xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh là 17 xã (số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 59 xã năm 2021 xuống còn 42 xã vào cuối năm 2023).
Đối với hai huyện nghèo (Trạm Tấu và Mù Cang Chải): Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hai huyện giảm từ 59,09% cuối năm 2021 xuống còn 42,27% vào cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm 8,4%, trong đó: huyện Trạm Tấu giảm bình quân 6,95%/năm; huyện Mù Cang Chải giảm bình quân 9,17%/năm.
Trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, các chương trình tín dụng đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn; giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện và đổi thay đáng kể. Năm 2023 và đến 31/7/2024, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn với lũy kế doanh số cho vay là 2.444 tỷ đồng đã giúp cho 43.985 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận để sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập, giải quyết nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Hoạt động tín dụng chính sách đã trở thành kênh dẫn vốn có hiệu quả, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của địa phương; đóng góp tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ nhiều mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ được hình thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng DTTS.
Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của Yên Bái. Tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm bình quân 6,98%/năm, đạt và vượt kế hoạch đề ra; hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, quy mô trường, lớp học ở vùng đồng bào DTTS ngày càng mở rộng; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng DTTS và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, trật tự xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định...
Đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển mạnh giàu.
Thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Yên Bái có 110/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 73,3%; có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thu Hạnh