Sau nhiều năm đi làm xa, gia đình anh Lường Văn Diên tích góp làm được ngôi nhà khang trang.
Trong ngôi nhà khang trang, 2 tầng được xây dựng kiên cố với thiết kế hiện đại, anh Lường Văn Diên và chị Lò Thị Thân, bản Kép, xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) không giấu được niềm vui. Anh Diên chia sẻ: Sau gần chục năm đi làm, người đi xây còn người đi phụ, vợ chồng tôi đã có tiền xây được ngôi nhà bao năm mơ ước. Trước đây gia đình khó khăn lắm, là hộ nghèo của bản. Gia đình 4 người, kinh tế chỉ phụ thuộc vào 500m2 ruộng và ngày công tôi đi làm thợ xây theo thời vụ, thu nhập thấp, bếp bênh. Trong suy nghĩ, khi mình không có đất sản xuất và vốn cũng không biết làm gì để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Năm 2009, vợ chồng tôi bàn nhau rồi quyết định đi làm thuê cho doanh nghiệp xây dựng ở TP. Hải Phòng. Xuống đó tôi vẫn làm thợ xây, còn vợ tôi đi làm phụ hồ. Hai vợ chồng làm cùng một chỗ nên cũng đỡ được phần đi lại và ăn uống hàng ngày. Vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn, trừ tiền gửi nuôi các con hàng tháng, vợ chồng tôi cũng để ra được hơn 100 triệu đồng/năm. Ngôi nhà hai tầng, rộng hơn 150m2 một sàn, gia đình tôi bỏ ra hơn 700 triệu đồng mua vật liệu xây dựng, công xây do hai vợ chồng và đổi công cho mọi người trong bản. Ở trong bản tôi, hễ có nhà mới xây thì thợ là người quanh bản hết, nhà này năm nay xây thì đổi công cho nhà khác năm sau xây. "Nếu còn ở nhà, đi làm theo thời vụ, có việc thì làm, hết việc thì nghỉ, có lẽ hết đời chúng tôi cũng không xây được nhà" - anh Diên trải lòng.
Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp các công ty trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tuyển dụng lao động tại 10 xã của huyện Tuần Giáo.
Chiềng Sinh là một trong những xã được huyện Tuần Giáo đánh giá làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong những năm qua. Đi làm tại các doanh nghiệp lẻ hay khu công nghiệp lớn trong nước hiện đang là hướng đi mới của nhiều thanh niên thuộc các xã vùng cao. Ông Lò Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh cho biết: Hiện nay, các cháu sau khi đã học xong THPT, không có nhu cầu học cao hơn đã xin gia đình đi theo anh, chị hay các cô chú trong bản xuống các công ty để tìm việc làm. Do vậy công tác tư vấn, giới thiệu người dân đi làm việc ở các doanh nghiệp, công ty uy tín đang là một trong những giải pháp được chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Bình quân mỗi năm trên địa bàn xã Chiềng Sinh có 1.800 người trong độ tuổi từ 18 - 35 đi làm công nhân tại các khu công nghiệp như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng...Với mới thu nhập bình quân từ 8 - 13 triệu đồng/tháng. Từ những đồng lương tích góp gửi về cho gia đình, nhiều hộ xây được nhà, mua được xe, các đồ dùng trong nhà và nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo của xã vùng cao.
Gia đình bà Lò Thị Thảo, bản Vánh III, xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) rất vui khi con gái đi làm công nhân đã gửi được tiền cùng gia đình làm được nhà và mở quán tạp hóa.
Ngoài xã Chiềng Sinh, những năm gần đây, người dân, đặc biệt những thanh niên mới học xong của xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) đã chủ động tìm kiếm những việc làm phù hợp, tạo thu nhập phụ giúp gia đình. Theo ông Quàng Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông: Thanh niên bây giờ họ nhanh nhạy với thị trường lao động lắm, hễ thấy thông tin công ty ở đâu tuyển dụng, có đãi ngộ tốt, họ lại rủ thêm bạn đi xin việc ngay. Các em đi làm theo những người thân hoặc cùng 4 - 6 người bạn trong bản. Sau rằm tháng Giêng, hiếm khi gặp những người trong độ tuổi lao động ở nhà. Theo thống kê của UBND xã, hàng năm có khoảng 550 - 600 người đi làm công nhân cho các công ty, doanh nghiệp trong nước. Không những đi làm tích góp gửi tiền về cho gia đình, sau khi những thanh niên trở về quê họ còn đem theo những tư duy mới, cách làm hay về phát triển kinh tế tại địa phương. Đơn cử, có thanh niên sau vài năm đi làm công nhân họ có vốn trở về địa phương, mở quán tạp hóa, mở quán sửa chữa xe máy...
Diện mạo nông thôn xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) thay đổi diện mạo với những ngôi nhà tầng hiện đại.
Để đáp ứng nhu cầu lao động, đảm bảo các điều kiện về quyền lợi người lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước để người lao động có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm việc làm ổn định, thu nhập tốt. Ngày 11/2/2024, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp cùng các công ty trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tuyển dụng lao động, cử đi học nghề trình độ trung cấp và trình độ sơ cấp tại 10 xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
Có việc làm, thu nhập ổn định, những lao động xa quê đã cải thiện được đời sống gia đình và góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Vài năm trở lại đây, những ngôi nhà cao tầng mọc sát nhau với thiết kế hiện đại, cuộc sống của người dân nơi đây được đầy đủ hơn. Tuy nhiên, cũng trong hành trình đó, có không ít cám dỗ nơi phồn hoa phố thị chực chờ người lao động thật thà, chất phác. Đã có những lao động thất bại trở về vì sa ngã tệ nạn, rơi vào tình cảnh nợ nần. Vì vậy, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng sống từ những người đã thành công, cảnh giác, tránh xa tệ nạn, sống tiết kiệm, lành mạnh... là những kiến thức mà mỗi lao động xa nhà cần trang bị.
Quang Hùng