Tập đoàn Cao su Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi đất khu công nghiệp

Tập đoàn Cao su Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi đất khu công nghiệp
một ngày trướcBài gốc
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định về chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng, tỉnh Bình Dương.
Theo đó, khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng có quy mô 360ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, vốn góp của nhà đầu tư là 157 tỷ đồng.
Dự án do công ty con của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là Công ty CP Công nghiệp An Điền làm chủ đầu tư.
Theo quyết định, tiến độ thực hiện dự án không quá 48 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được bàn giao đất, cho thuê đất.
Thời hạn hoạt động của dự án kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư đến ngày 13/12/2055.
Gia tăng lợi thế quỹ đất
Những năm gần đây, Tập đoàn Cao su Việt Nam rất tích cực triển khai xây dựng khu công nghiệp.
Tập đoàn Cao su Việt Nam hiện sở hữu diện tích đất cao su lớn, với quỹ đất gần 395.000ha trải khắp các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh.
Một số diện tích trồng cao su đã được tập đoàn chuyển đổi để phát triển khu công nghiệp.
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc tập đoàn cho biết, doanh nghiệp đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp với tổng diện tích là gần 23.500ha.
Trong đó, công ty đang triển khai gần 11.000ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Công ty chứng khoán SSI nhận định, việc chuyển đổi đất sẽ giúp tập đoàn ghi nhận lợi nhuận đáng kể.
Bảng giá đất mới tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh sẽ được công bố trong thời gian tới. Giá đất kỳ vọng sẽ tăng từ 20% đến 3 lần so với giá hiện tại.
Gần đây, khu công nghiệp Bàu Cạn – Tân Hiệp, công ty con của Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, tiếp tục củng cố kế hoạch chuyển đổi 2.800ha đất cao su vào năm 2025.
Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp còn hỗ trợ giảm nguồn cung, giúp đẩy giá cao su.
Đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng; hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường.
Các nước lớn có xu hướng cắt giảm sản lượng cao su tự nhiên. Ảnh: MBS
Thái Lan, quốc gia chiếm 33% sản lượng cao su thế giới đã cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới.
Indonesia, quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su cũng có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn.
MBS đánh giá Tập đoàn Cao su Việt Nam hiện là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam khi đang vận hành 16 khu công nghiệp có tổng diện tích đất hơn 6.500ha.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp của Cao su Việt Nam đạt 73% và hiện còn khoảng 1.260ha đất thương phẩm, sẵn sàng cho khai thác.
Theo MBS, trong giai đoạn 2021-2030, nguồn cung đất khu công nghiệp phía Nam sẽ đến từ việc chuyển đổi đất cao su do thị trường phía Nam đang thiếu hụt nguồn cung đất, trong khi tỷ lệ lấp đầy ở mức cao.
Việc chuyển đổi đất cao su có nhiều lợi thế về diện tích đất thửa lớn, giải phóng mặt bằng nhanh và chi phí thấp.
Rủi ro nhu cầu cao su giảm
Quá trình dịch chuyển quỹ đất của Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng chịu tác động bởi nhu cầu cao su giảm trên toàn cầu.
Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) vừa qua đã dự báo thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trong năm nay và cảnh báo tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2028.
ANRPC tiếp tục hạ dự báo nguồn cung cao su tự nhiên năm 2024 xuống 14,5 triệu/tấn do tác động của điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina và bệnh rụng lá lan rộng tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng cao su.
Thêm nữa, người dân trồng cao su tại nhiều nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại.
Tình trạng này sẽ kéo dài tới năm 2028 với mức thiếu hụt vào khoảng 600.000 - 800.000 tấn mỗi năm
Bên cạnh đó, vướng mắc về pháp lý có thể khiến dự án khu công nghiệp bị chậm tiến độ. Đặc biệt, tiến trình điều tra liên quan đến sai phạm của đội ngũ ban lãnh đạo trước đây có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của công ty trong ngắn hạn.
Dũng Phạm
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/tap-doan-cao-su-viet-nam-day-manh-chuyen-doi-dat-khu-cong-nghiep-d38597.html