Đây cũng là bước đi chiến lược giúp FPT nâng cao năng lực cung cấp giải pháp và dịch vụ số cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng – một trong những mảng quan trọng đóng góp gần 50% vào doanh thu của FPT tại thị trường châu Âu.
Với thế mạnh về thiết kế giao diện người dùng (UI/UX), tích hợp, phát triển toàn diện (full-stack), tích hợp SAP và hệ thống quản lý thông tin khách hàng, David Lamm Consulting sẽ đóng vai trò quan trọng giúp FPT gia tăng lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp các giải pháp chuyên biệt cho lĩnh vực năng lượng tại thị trường Đức và châu Âu.
Đồng thời, dựa vào năng lực triển khai các dự án và mạng lưới rộng khắp trên quy mô toàn cầu, FPT sẽ tiếp tục đảm nhiệm các dự án hiện có của David Lamm Consulting, đảm bảo tính liên tục và chất lượng cao cho khách hàng.
Đại diện FPT và đại diện David Lamm Consulting tại lễ ký kết mua bán sáp nhập. Ảnh: VA
“Thương vụ này giúp FPT gia tăng năng lực công nghệ, tư vấn và lợi thế cạnh tranh, tiếp tục củng cố vị thế là đối tác chiến lược cho các công ty năng lượng trên khắp châu Âu cũng như toàn cầu. Với chuyên môn sâu rộng, kinh nghiệm thực tế và đội ngũ nhân lực chất lượng cao tại hơn 30 quốc gia của chúng tôi sẽ giúp thúc đẩy đổi mới và mang lại các giải pháp bền vững, đón đầu xu thế nhằm giải quyết những thách thức phức tạp của doanh nghiệp trên khắp thế giới", ông Nguyễn Khải Hoàn, Giám đốc Tài chính kiêm Giám đốc Điều hành FPT Software chia sẻ.
Trước đó, từ tháng 10/2024, hai bên đã hợp tác nhằm phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất, phân phối năng lượng và phát triển bền vững.
Với hơn 16 năm hoạt động tại thị trường châu Âu, Tập đoàn FPT đã thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ tại 9 quốc gia và trở thành đối tác chuyển đổi số của hơn 150 doanh nghiệp hàng đầu châu Âu. FPT đồng hành cùng nhiều tên tuổi lớn trong các lĩnh vực, bao gồm năng lượng, ô tô, y tế, tài chính - ngân hàng... như E.ON, Schaeffler, Viessmann, Covestro, Volvo và Siemens.
Theo chia sẻ của bà Eunjung Han, Phó Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số của EuroCham, Liên minh châu Âu sẽ tăng cường hỗ trợ cho chuyển đổi kỹ thuật số trong những năm tới, thể hiện qua đề xuất gần đây cho chương trình “Châu Âu kỹ thuật số” dự kiến kéo dài đến năm 2027.
Là chương trình tài trợ đầu tiên chỉ dành riêng cho hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Âu, “Châu Âu kỹ thuật số” cung cấp nguồn tài trợ chiến lược, hỗ trợ các dự án trong 5 lĩnh vực, năng lực chính gồm: Siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, kỹ năng kỹ thuật số tiên tiến và đảm bảo sử dụng rộng rãi các công nghệ kỹ thuật số trong nền kinh tế xã hội.
Bà Eunjung Han cũng lưu ý, khi doanh nghiệp Việt Nam tìm cách mở rộng hoạt động sang châu Âu, điều cần thiết là phải nắm bắt được khung pháp lý quản lý đầu tư và các chương trình ưu đãi được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho nước ngoài tham gia vào nền kinh tế Liên minh châu Âu.
Theo thống kê, tính hết tháng 7/2024, tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động ước tính khoảng 51.038, tăng gần 6.000 doanh nghiệp so với tháng 8/2023. Đặc biệt, hiện đã có 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Doanh thu từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 là 7,5 tỷ USD, và dự kiến con số này năm nay xấp xỉ 10 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 30%.
Thái Khang