Tập đoàn FPT duy trì mức tăng trưởng hai con số.
CTCP FPT (mã FPT) vừa công bố báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2024, với doanh thu ước đạt 62.849 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11.071 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 19% và 20% so với năm 2023.
Lãi ròng đạt 7.849 tỷ đồng, tăng 21%; EPS đạt 4.940 đồng/cp, tăng gần 22%. Đây cũng là mức lãi ròng cao nhất FPT đạt được và là năm thứ 6 liên tiếp lập kỷ lục lợi nhuận.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn và tăng trưởng cao. Tổng doanh thu đạt 30.953 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 4.770 tỷ đồng, tăng 26%. Điều này là nhờ mức tăng trưởng doanh thu mạnh đến từ thị trường Nhật Bản (tăng 32%) và châu Á - Thái Bình Dương (APAC, tăng 35%), thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại các thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.
Doanh thu ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 33.592 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và APAC. Năm 2024, FPT thắng thầu 48 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, tăng 50% so với năm trước.
Mảng dịch vụ CNTT trong nước ghi nhận doanh thu đạt 8.157 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 460 tỷ đồng, tăng 21%.
Mảng dịch vụ viễn thông ghi nhận doanh thu đạt 16.906 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 3.420 tỷ đồng, tăng 18%.
Mảng giáo dục đạt mức tăng trưởng doanh thu 15% với 7.088 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT cũng tăng trưởng tích cực cùng đà với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mã này kết phiên 24/1 ở vùng giá đỉnh lịch sử 153.400 đồng/cp - tăng gần 90% so với cách đây một năm.
Cổ phiếu tăng tốc đẩy vốn hóa thị trường của FPT lên cao kỷ lục, hơn 225.000 tỷ đồng (9 tỷ USD). Con số này đưa FPT vào vị trí tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, vượt xa Vingroup, Hòa Phát. Tính trên toàn sàn chứng khoán, giá trị của tập đoàn công nghệ này chỉ xếp sau 4 “đại gia” do Nhà nước chi phối là Vietcombank, Viettel Global, BIDV và ACV.
Phạm Ngọc