Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Đầu tư mở rộng Nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định.
Dự án mở rộng có diện tích 9,1 ha thuộc 21,8 ha trong quy hoạch Nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định hiện hữu tại tại Khu công nghiệp đô thị Nhơn Hội (Phân khu 4), Khu kinh tế Nhơn Hội. Tổng vốn đầu tư cho phần mở rộng này là 2.333 tỷ đồng, triển khai từ quý 1/2025 đến quý 2/2027.
Công ty Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định thuộc sở hữu 100% của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) với vốn điều lệ 770 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoa Sen cho biết công suất mở rộng của dự án là 350.000 tấn/năm với các sản phẩm chính là tôn thép mạ kẽm, mạ màu, và thép cán nguội. Tổng công suất của nhà máy hiện là 430.000 tấn/năm. Đây cũng là nhà máy tôn mạ lớn nhất miền Trung hiện nay.
Nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định hiện là nhà máy tôn mạ lớn nhất miền Trung.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2025, Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua việc tăng vốn Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ. Với nhà máy công suất 85.000 tấn/năm, Hoa Sen Phú Mỹ là đơn vị đảm nhận vai trò sản xuất, cung ứng dòng sản phẩm tôn kẽm nhúng nóng (tôn mạ kẽm) của Tập đoàn Hoa Sen.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Sen cũng thông qua việc tăng vốn cho Công ty TNHH MTV Hoa Sen Hà Nam từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng sau khi quyết định thành lập Tổng kho Hà Nam tại Cụm công nghiệp Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) nhằm phục vụ 15 tỉnh thành phía Bắc, từ Hà Nội đến các tỉnh biên giới như Lạng Sơn.
Loạt động thái trên được kỳ vọng sẽ giúp Tập đoàn Hoa Sen gia tăng công suất, thị phần trong chu kỳ phát triển mới của ngành thép. Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, với vị thế là doanh nghiệp tôn mạ lớn nhất thị trường nội địa, chiếm 26,2% thị phần (tính đến cuối quý 3/2024), và sở hữu hệ thống đại lý phân phối rộng khắp, Tập đoàn Hoa Sen sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp khi nhu cầu tiêu thụ thép, tôn mạ trong nước tăng trở lại theo nhịp độ phục hồi của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công tăng tốc giải ngân. Chứng khoán SSI dự báo nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen còn được hỗ trợ từ việc Bộ Công Thương gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc thêm 05 năm (đến tháng 10/2029).
Dữ liệu lịch sử cho thấy, trong đợt áp thuế hồi năm 2016, tập đoàn này đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ nội địa hàng quý tăng tới 30% so với giai đoạn trước khi áp thuế.
Đối với kênh xuất khẩu, trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại nhắm vào sản phẩm thép, Chứng khoán Maybank mới đây đưa ra đánh giá rủi ro từ thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn Hoa Sen tại Hoa Kỳ, một trong những thị trường chủ chốt, là không quá lớn.
Duy Quang