Tập đoàn PAN lần đầu báo lãi nghìn tỷ, kỳ vọng xuất khẩu tăng tốc trong năm 2025

Tập đoàn PAN lần đầu báo lãi nghìn tỷ, kỳ vọng xuất khẩu tăng tốc trong năm 2025
một ngày trướcBài gốc
Lợi nhuận các mảng kinh doanh cốt lõi tăng mạnh
Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN - sàn HoSE) vừa qua đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất chưa soát xét quý 4/2024 và lũy kế cả năm 2024. Theo đó, tập đoàn này ghi nhận 4.267 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất trong quý cuối năm 2024, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, mặc dù mức nền của quý 4/2023 ở mức cao, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Tập đoàn PAN trong quý 4/2024 vẫn tăng trưởng 13%, đạt 231 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn này.
Lợi nhuận các mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn PAN đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong quý 4/2024.
Các mảng kinh doanh có đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận quý 4/2024 của Tập đoàn PAN gồm có: xuất khẩu tôm (114%), xuất khẩu cá tra (41%), hạt và hoa quả sấy (21%). Trong khi đó, mảng nông dược & khử trùng giữ được mức tương đương với quý 4/2023 và cũng thiết lập mức lãi cao nhất từ trước đến nay.
Mảng giống cây trồng, gạo đóng túi và bánh kẹo suy giảm nhẹ từ 8 - 10% do yếu tố lệch mùa vụ kinh doanh, theo chia sẻ của Tập đoàn PAN.
Tập đoàn PAN cho biết: “Mảng thủy sản với tôm và cá tra xuất khẩu có lợi nhuận vượt trội trong quý 4/2024 do có thêm nhiều đơn hàng giá trị gia tăng cao kết hợp giá nguyên liệu rẻ đã mua tích trữ từ giữa năm nên biên lãi gộp lên tới 30 - 40%. Mặc dù doanh thu mảng thủy sản trong kỳ tăng trưởng 8% nhưng lợi nhuận trước thuế đã tăng gấp 2 lần so với quý 4/2023”.
Lũy kế cả năm 2024, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 16.184 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.328 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,6% và 38,9% so với năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên tập đoàn này có lãi ròng vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Theo Tập đoàn PAN, động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 chủ yếu đến từ việc các chi phí đầu vào (vận tải, nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi…) giảm nhiệt so với năm 2023. Đồng thời, các công ty thành viên đã tận dụng được nhiều thời điểm trong năm để tích trữ, thu mua được nguyên vật liệu giá thấp, từ đó cải thiện rất tốt biên lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều thành viên cũng phát triển được các thị trường mới, sản phẩm mới để tạo động lực cho tăng trưởng quy mô trong dài hạn.
Kỳ vọng xuất khẩu tăng tốc trong năm 2025
Bước sang năm 2025, Tập đoàn PAN đánh giá, mảng nông nghiệp sẽ tiếp tục có nhiều động lực tăng trưởng mạnh, nhất là khi các nhiễu động thị trường cuối năm 2024 qua đi (mảng nông dược); các bộ giống lúa mới được kinh doanh chính thức đi kèm với sự suy yếu của các đối thủ cạnh tranh.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, doanh thu mảng gạo của Tập đoàn PAN, thông qua công ty con Vinaseed (mã cổ phiếu NSC) đang duy trì đà tăng trưởng kép nhờ chất lượng gạo và việc phủ sóng tương đối tốt ở kênh truyền thống, kênh đại lý, kênh siêu thị, đặc biệt là tại chuỗi Winmart.
Doanh thu mảng gạo của Tập đoàn PAN đang duy trì đà tăng trưởng kép nhờ chất lượng gạo và kênh phân phối rộng khắp.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng gạo của Vinaseed đạt khoảng 13% - 14%, đạt mức cao nhất ngành và vượt trội so với một số doanh nghiệp khác như Tập đoàn Lộc Trời và Gạo Trung An (9% - 10%). Trong bối cảnh, giá gạo thu mua từ nông dân đã giảm nhiệt những tháng gần đây, biên lợi nhuận mảng gạo của Vinaseed kỳ vọng có khả năng mở rộng thêm.
Đối với mảng thực phẩm đóng gói, Tập đoàn PAN chia sẻ, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ duy trì ở mức cao nhờ việc xuất khẩu đang thuận lợi ở các công ty thành viên, gồm Bibica (mã cổ phiếu BBC), Lafooco (mã cổ phiếu LAF), SHIN Cà phê, cũng như khai thác các kênh phân phối mới trong thị trường nội địa.
Bibica - doanh nghiệp cốt lõi trong mảng bánh kẹo của Tập đoàn PAN đang đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (thông qua hệ thống siêu thị Walmart) nhờ những lợi thế về đa dạng danh mục sản phẩm (bánh tươi, bánh layer, kẹo dẻo, kẹo cứng, bánh trung thu...) và năng lực sản xuất hàng đầu Việt Nam với dây chuyền sản xuất tương đối mới, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng về hình dáng, kết cấu, hương vị.
Đáng chú ý, Bibica cũng đang đẩy mạnh bán các sản phẩm quà tặng B2B, nhất là cho các đối tác lớn như tập đoàn Samsung.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Đối với các sản phẩm hạt, Lafooco đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Mỹ và dần củng cố vị thế tại Nhật Bản sau khi bắt đầu thâm nhập thị trường này kể từ đầu năm 2024 (thông qua hệ thống siêu thị AEON).
Cuối cùng, với mảng thủy sản, Tập đoàn PAN đánh giá, giá bán tôm của công ty con – Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) sẽ tiếp tục phục hồi cũng như sự gia tăng tỷ trọng của các sản phẩm tôm cao cấp để nâng cao biên lợi nhuận.
Rủi ro từ các chính sách thuế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trở nên rõ ràng hơn sau quý 1/2025. Tuy nhiên, tập đoàn cũng đã có chuẩn bị để đáp ứng qua việc dịch chuyển thị trường xuất khẩu hay chuẩn bị kỹ càng cho các kịch bản áp thuế, Tập đoàn PAN cho biết.
Hiện Nhật Bản và EU vẫn đang là 2 thị trường xuất khẩu tôm trọng điểm của Thực phẩm Sao Ta, chiếm khoảng 50% cơ cấu doanh thu. Đối với thị trường Mỹ, công ty này đang thực hiện trích lập dự phòng chi phí thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm (khoảng 2,8 USD/kg). Ngoài ra, Thực phẩm Sao Ta có định hướng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác phù hợp.
Lan Anh
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/tap-doan-pan-lan-dau-bao-lai-nghin-ty--ky-vong-xuat-khau-tang-toc-trong-nam-2025-132738.htm